(NTO) Ninh Thuận tuy không có nhiều lợi thế cả về diện tích đất sản xuất cũng như khí hậu ôn hòa như nhiều địa phương khác trong cả nước, tuy nhiên cũng chính từ sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng quanh năm đó đã được thiên nhiên “bù đắp” bằng nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản riêng mà “không thể lẫn vào đâu được” như nhiều du khách đã đến thưởng thức và có lời nhận xét như vậy. Chỉ nói riêng về cây trồng có thể kể ra gần chục giống cây dẫn đầu về độ ngon chỉ có ở Ninh Thuận như ngoài nho, táo, tỏi… đã khẳng định được tên tuổi, còn có những cây trồng khác mới nổi những năm gần đây như măng tây xanh, nha đam, hành tím…hàng năm cũng đem lại lợi tức cho người trồng nhiều trăm triệu đồng- tùy theo diện tích. Đó là chưa đề cập đến vùng cây trái Nam bộ tại Lâm Sơn (Ninh Sơn) với diện tích trên 600 ha, mùa nào thức đó đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch vườn và còn có nhiều triển vọng cho loại hình du lịch homestay nếu du khách có nhu cầu. Đây sẽ nguồn thu đáng kể cho các nhà vườn nếu được đầu tư đúng mức…đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch phù hợp với yêu cầu thị trường, đồng thời tăng năng suất và giá trị của sản phẩm.
Nông dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải) vào mùa thu hoạch tỏi cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ảnh: Sơn Ngọc
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đang nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương với việc ban hành nhiều Đề án, Nghị quyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05- NQ/TU ngày 10-10-2016 “Về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các chi bộ trên địa bàn tỉnh để tập trung triển khai thực hiện. Thực tế thời gian qua cho thấy, chủ trương ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đều được các địa phương, hợp tác xã, nhiều hộ gia đình hưởng ứng đón nhận, triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn. Phần lớn các mô hình phát triển nhỏ lẻ, tự phát, sức cạnh tranh kém, tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. Đặc biệt, quá trình ứng dựng CNC đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, trình độ quản lý, vận hành chuyên môn cao, trong khi đó các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các mô hình đã nêu còn gặp khó khăn về nguồn lực tài chính đầu tư, kinh nghiệm tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là khó tiếp cận các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, kỹ thuật sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của sản phẩm, nhưng nông dân lại chưa tiếp nhận đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để khả dĩ có thể chủ động xử lý được nhiều tình huống phát sinh trong quá trình sản xuất, cũng như đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn bàn tỉnh chưa thực sự gắn kết chặt chẽ...Đây cũng chính là cái “mắc” lớn nhất của nông dân dẫn đến diện tích, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn thấp so với tiềm năng của tỉnh.
Gỡ vướng mắc này để có thể đẩy mạnh việc ứng dụng CNC và sản xuất nông nghiệp, yêu cầu đặt ra là ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh nói chung, Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nói riêng về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, cần có những giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư vào nông nghiệp CNC. Trong đó, tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai, phát triển hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC có hiệu quả. Ngay bà con nông dân cũng phải thay đổi từ tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ… Có như vậy Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới thực sự đi vào cuộc sống.
Tuấn Dũng