Cây ớt đã được nông dân xã Phước Ninh trồng trên 10 năm nay, nhưng trồng nhiều nhất là 3 năm trở lại đây. Lý giải cho diện tích của cây ớt tăng nhanh ở địa phương, ông Thiên Ngọc Phụng, cán bộ phụ trách Kinh tế Nông nghiệp của xã, cho biết: Thời gian địa phương “gánh chịu” cơn hạn kéo dài từ cuối năm 2014 đến năm 2016, cũng là lúc diện tích cây ớt ở địa phương tăng lên. Bởi, diện tích trồng lúa hoặc hoa màu trồng thời điểm đó bị thiếu nước, buộc nông dân phải chuyển đổi cây trồng để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng ở đây. Cây ớt trồng trong mùa hạn vẫn phát triển tốt, lại tiết kiệm được nước, nên được nông dân trồng nhiều. Cũng chính vì thế, mà thời gian gần đây, cây ớt, cùng với cây lúa, cây táo là cây trồng chủ lực của địa phương. Trong năm, nông dân trồng 2 vụ ớt (đông-xuân và hè-thu), từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 55-60 ngày, nếu chăm sóc tốt thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tháng. Năng suất đạt bình quân của ớt sừng trâu từ 2-4 tấn/sào, còn ớt chỉ thiên 1-1,5 tấn/sào.
Nông dân xã Phước Ninh thu hoạch ớt chỉ thiên.
Theo nhiều hộ trồng ớt ở đây chia sẻ, giống ớt sừng trâu và chỉ thiên được nông dân ưa chuộng, đưa vào trồng. Hiện nay, diện tích ớt được trồng nhiều ở thôn Vụ Bổn, Thiện Đức và Hiếu Thiện. Chạy dọc mương Câm, chúng tôi ghi nhận nhiều nông dân đang tất bật thu hoạch ớt. Mấy ngày gần đây, giá ớt tươi tăng “vọt”, nên người trồng ớt rất phấn khởi. Ông Sử Ngọc Ảnh, thôn Hiếu Thiện, là nông dân có diện tích trồng ớt nhiều nhất ở xã có được niềm vui trên. Ông Ngọc Ảnh, cho biết: Trồng ớt chỉ thiên đã được 3 năm nay, nhưng chưa có năm nào giá ớt lên cao như hiện nay. Với giá ớt bán tận ruộng lên đến 35-40 ngàn đồng/kg, nếu giá ớt ổn định đến cuối vụ thu hoạch, thì gia đình tôi sẽ trúng đậm. Trồng 7 sào ớt, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Khắc Hưng, phấn khởi: Giá ớt sừng trâu hiện nay là 22 ngàn đồng/kg, với 2 sào ớt của tôi thu hoạch đến cuối vụ, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 45 triệu đồng.
Theo phản ảnh của nhiều hộ trồng ớt, có thời điểm giá ớt sừng trâu tươi tăng lên 47 ngàn đồng/kg, nhưng có lúc rơi xuống chỉ còn 2,5 ngàn đồng/kg; còn ớt chỉ thiên tăng cao nhất 42 ngàn đồng/kg, nhưng có lúc chỉ còn 7 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên nhiều nông dân bộc bạch, giá ớt có tăng hay giảm thì họ vẫn mặn mà với cây ớt và diện tích vẫn tăng dần theo mỗi vụ gieo trồng. Vì theo kinh nghiệm, cây ớt thích hợp với đất thịt pha cát, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Hơn nữa, trong điều kiện thời tiết nắng hạn, thì cây ớt là một trong những cây lựa chọn “hàng đầu” để nông dân gieo trồng, vì ít sử dụng nước tưới.
Ông Trịnh Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, cho biết: Diện tích trồng cây ớt hằng năm của địa phương trên 50 ha. Thế nhưng, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn trong việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm ớt của nông dân. Để cây ớt trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương và thực hiện đúng chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng thích hợp với biến đổi khí hậu, thì cần sự quan tâm của ngành cấp trên. Cùng với đó, địa phương cố gắng liên kết với các doanh nghiệp ký kết thu mua sản phẩm ớt của nông dân, tạo đầu ra ổn định, qua đó tạo thu nhập ổn định cho hộ trồng và tập trung phát triển cây trồng này trên vùng đất hạn.
Phan Hiếu