CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

“Lánh nạn” karaoke ngày Tết!

(NTO) Đến thăm chúc tết gia đình ông anh chiều mùng ba Tết. Chưa đến 7 giờ tối nhưng chỉ có ông anh tôi ngồi chờ (bởi đã có hẹn trước) với vẻ bồn chồn, không vui. Lạ, Tết mà sao… buồn thiu vậy hay là đã có chuyện gì rồi!. Tôi nghĩ bụng nhưng không tiện nói ra. Như đoán được thắc mắc của tôi, anh hỏi: - Chú nghe gì không?. - Có, nhạc sống mà tại “sâu khấu” nào vậy?. Thì đó, anh chỉ tay sang thềm nhà hàng xóm. Tôi nhìn theo, hóa ra là… “sòng” nhậu cả nam, cả nữ với “giàn” karaoke di động mở gần hết công suất. Ông anh than phiền: - Từ mùng một Tết đến nay ngày nào cũng tụ tập ăn nhậu, ca hát. Mà đâu phải ít, từ 6 giờ tối đến khuya… hễ hết sức, hết hơi hát thì mới nghỉ. Nếu không hẹn với chú là tôi đã… đi lánh nạn rồi vì ở nhà chịu sao nổi với loại âm nhạc như “tra tấn” đó!. Đúng thật, chỉ ngồi chưa đầy 10 phút mà tôi đã ù tai, nhức óc, có nói chuyện cũng không được vì bị âm thanh karaoke lấn át!. Mà anh “lánh nạn” ở đâu?. Tôi hỏi. - Thì hoặc đi loanh quanh gọi là tập thể dục cho đỡ… bực, mỏi chân thì vào quán café vỉa hè ngồi tạm gọi là ngắm thành phố về đêm… chờ đến khi “sàn nhậu” kia dọn dẹp thì về…

Theo ông anh tôi cũng như nhiều bà con láng giềng đồng “cảnh ngộ” cho biết, tình trạng này không chỉ diễn ra ngày Tết mà gần như thường xuyên, không để cho láng giềng nghỉ ngơi gì cả. Khổ nỗi, “đầu hôm” còn nhường nhau hát với đủ thể loại nhạc từ sầu nảo, bi ai đến "nhạc đỏ"… nhưng đến giữa cuộc trở đi thì giành nhau hát, đúng hơn là hét to, nhỏ tùy theo tửu lượng. Sân khấu ca nhạc cao lắm cũng chỉ kéo dài không quá 3 giờ còn sân nhậu thì… vô tư, miễn là gia chủ và bạn nhậu còn sức và còn muốn thể hiện. Khổ nỗi, những “khán giả” bất đắc dĩ thì dù không muốn cũng buộc phải nghe chẳng lẽ bỏ nhà "lánh nạn" suốt buổi ngoài đường!. Tôi thắc mắc: - Sao không báo với khu phố hay công an khu vực để nhắc nhở?. - Ông anh tôi ngao ngán: Có làm hết các “thủ tục” cần thiết rồi nhưng không ăn thua. Láng giềng qua khuyên mở nhỏ đủ nghe thì bị…cự cãi. Thôi thì chấp nhận “sống chung với karaoke” vậy!.

Có thể nói, tình trạng “lánh nạn” karaoke không phải chỉ riêng khu phố nhà ông anh tôi mà gần như ngày càng phổ biến trong các khu dân cư từ nông thôn đến thành thị bởi sự tiện ích là chỉ cần điện thoại thì dịch vụ cho thuê dàn karaoke mang đến tận nhà với giá cả phải chăng mà không cần phải mua sắm nhiều tiền như trước đây. Điều đáng nói là dường như chính quyền địa phương quá “thờ ơ” với tình trạng này, thiếu kiên quyết trong xử lý… nên đã biến karaoke từ phương tiện giải trí văn hóa đơn thuần trở thành phương tiện “hành” xóm giềng bởi một số người chỉ biết thỏa mãn nhu cầu của mình còn… “ai khổ mặc ai!”. Lại nữa, hành vi thiếu văn hóa này “tồn tại” ở nhiều khu dân cư được công nhận là văn hóa!.

Vấn đề đặt ra là liệu có giải pháp nào để giải quyết thực trạng này không?. Tất nhiên là có, đó là cần có sự ra quân đồng bộ của bộ máy chính quyền địa phương như công an khu vực, tổ trật tự trị an an ninh, tổ trưởng tổ dân phố… nhưng quan trọng nhất là sự “đồng thanh” lên tiếng của cộng đồng một cách mạnh mẽ, quyết liệt, không ngại “lời qua tiếng lại” với xóm giềng…mới có thể “tẩy chay” loại hình karaoke tra tấn bằng âm thanh này, trả lại môi trường bình yên, văn hóa thuần túy ở các khu dân cư.

Ca hát là nhu cầu nhưng cần phải hát có nơi, ca có chỗ để vừa tạo niềm vui cho bản thân hay nhóm bạn nhưng không ảnh hưởng đến người khác là cách tôn trọng bản thân và hành xử văn hóa với mọi người xung quanh.. Mong sao tình trạng này sớm chấm dứt để không còn cảnh phải đi “lánh nạn” như ông anh tôi.