Theo anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc PCU, ngoài các hình thức đào tạo truyền thống, dự án đã triển khai các hình thức đào tạo mới như doanh nghiệp (DN) hoặc nông dân giỏi tham gia đào tạo cho nông dân. Trong năm 2015, dự án đã thực hiện mở 235 lớp tập huấn với kinh phí là 4,264 tỷ đồng, trong đó chủ yếu tập trung đào tạo kỹ thuật trồng trọt (76 lớp) và chăn nuôi (84 lớp); 23 lớp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, 3 lớp xóa mù chữ và 4 lớp đan lát... Như vậy tính theo lũy kế từ đầu đến nay, dự án đã tổ chức hơn 802 khóa tập huấn giúp nâng cao kiến thức cho hơn 29.500 người dân trong kỹ thuật nuôi trồng và sản xuất, kinh doanh; 15 khóa đào tạo nghề cho 444 người dân. Đến nay, hầu hết những người dự lớp đào tạo đã có việc làm. Theo kết quả khảo sát năm qua về đánh giá hiệu quả các hoạt động nâng cao năng lực, có 71,4% học viên cho biết có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng, 25% có thu nhập từ 2 đến dưới 4 triệu đồng/tháng. Có hơn một nửa học viên (53,6%) có tổng thu nhập tăng so với trước khi làm nghề; đa số học viên (85,7%) hài lòng với công việc hiện tại.
Người dân vùng dự án An Hải (Ninh Phước) được hỗ trợ con giống và tập huấn kỹ thuật nuôi cừu.
Cùng với nâng cao năng lực người dân vùng dự án, trong năm 2015, PCU triển khai 80 hoạt động mua sắm đầu tư cây, con giống và vật tư trang thiết bị để phục vụ sản xuất cho người dân, với tổng số vốn thực hiện là 20,890 tỷ đồng, đến nay các xã đã triển khai 62/80 hoạt động, chiếm 77,5% khối lượng công việc. Các hoạt động mua sắm chủ yếu tập trung cho đầu tư dê, bò, cừu và phân giống các loại cây trồng như bắp, lúa, chuối, táo... Bên cạnh đó, thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dự án đã đầu tư 105 công trình, trong năm qua có 81 công trình đã hoàn thành thi công. Tính chung qua các năm, dự án đã đầu tư tổng cộng gần 250 công trình với tổng vốn 145 tỷ đồng, trong đó vốn IFAD là 121 tỷ đồng, Chính phủ là 11 tỷ đồng và người hưởng lợi là 13 tỷ đồng. Các công trình hạ tầng bao gồm 108 đường giao thông nông thôn đi vào các khu sản xuất táo, lúa, tỏi, hành, bắp…; 60 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho các chuỗi táo, lúa, bò; 13 công trình chợ, kho chứa nông sản phục vụ trao đổi mua bán các hàng hóa nông sản; 46 sân phơi phục vụ các chuỗi, lúa, bắp, đậu…; đặc biệt có 16 công trình mang tính chất đơn giản giao cho cộng đồng tự thực hiện.
Theo PCU, thực hiện Hợp phần 3, MOP-SEDP là một công cụ rất tốt để thu hút người dân và DN tham gia lập kế hoạch tổng thể các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng thị trường, nó cho phép lồng ghép các nguồn lực hiện có tại các xã, bao gồm nguồn lực dự án và ngân sách hàng năm của địa phương nhằm phát triển các chuỗi giá trị được ưu tiên. Trong các đầu tư, việc phát triển kết hạ tầng, đặc biệt đường giao thông nông thôn và các công trình thủy lợi tưới tiêu phục vụ trực tiếp phát triển các chuỗi giá trị, được đánh giá là một trong những đóng góp thiết thực nhất trong việc thu hút đầu tư từ các DN khác vào địa phương.
Để thực hiện đạt hiệu quả cao hợp phần 3 trong năm 2016, từ kinh nghiệm đã qua, PCU đề nghị tiến hành bàn giao toàn bộ kết cấu hạ tầng do dự án đầu tư cho các xã quản lý, sử dụng, bao gồm cả công tác duy tu bảo dưỡng. Đặc biệt là đẩy nhanh việc hoàn thành các hoạt động do xã làm chủ đầu tư, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được giao; phân công cán bộ trong Ban phát triển xã tăng cường họp nhóm, hướng dẫn các tổ nhóm hoạt động theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh được dự án tài trợ.
Bạch Thương