Tăng giá dịch vụ y tế: Người dân ảnh hưởng thế nào?

(NTO) Theo quy định tại Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (Thông tư 37), từ ngày 1-3, hơn 1.800 dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đồng loạt tăng giá, được áp dụng đối với các bệnh nhân khám, chữa bệnh theo thẻ BHYT. Mức giá mới được tính bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù.

Ngay trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện, chúng tôi đã có mặt tại một số bệnh viện trong tỉnh ghi nhận tình hình và phản hồi của người dân về quy định này. Ông Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Để thực hiện tốt Thông tư, bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên y tế, đồng thời thông báo, đăng tải trên hệ thống trang điện tử nội bộ của bệnh viện. Chính vì vậy, ngay trong ngày đầu triển khai thực hiện, mọi việc đều khá trôi chảy.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khi được hỏi, hầu hết các bệnh nhân đều biết về quy định mới này, tuy nhiên còn khá mập mờ, chỉ biết là tăng nhưng không biết cụ thể tăng như thế nào. Cầm thẻ BHYT trên tay, bà Lê Thị Thắm (thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải, Ninh Hải) chia sẻ: “Tôi bị đau cột sống nên thường xuyên đến bệnh viện khám và điều trị. Xem tivi tôi cũng có biết chủ trương tăng viện phí nhưng cụ thể thế nào thì không rõ lắm”. Còn ông Huỳnh Phát (thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, Ninh Hải) lại tỏ ra khá ngạc nhiên: Tôi không hề hay biết thông tin tăng viện phí. Tôi nghĩ các cơ sở khám, chữa bệnh nên dán thông báo và công khai giá dịch vụ để người dân được nắm rõ hơn.

Được biết, nếu áp dụng mức giá theo quy định, mức tăng giá cho mỗi dịch vụ khoảng 30% so với trước đây và một số dịch vụ không tăng, thậm chí là giảm. Đơn cử như đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một số dịch vụ không tăng như giá khám bệnh, có mức 15.000 đồng/lần khám; giá dịch vụ chụp X-quang số hóa 1 phim 58.000 đồng; chụp X-quang số hóa 2 phim 83.000 đồng. Một số dịch vụ giảm như: Xét nghiệm viêm gan siêu vi B text nhanh; xét nghiệm HIV đều là 45.000 đồng (trước đây 60.000 đồng)… Anh Hán Dương Công Khanh, bệnh nhân ở huyện Ninh Phước đến khám tại bệnh viện, cho biết: Theo tôi mức giá tăng như trên cũng thỏa đáng vì tính ra tiền khám không tăng, các xét nghiệm khác tăng không nhiều nên cũng không ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Ngoài ra, giá mới chỉ áp dụng cho các bệnh nhân đến khám bệnh, nhập viện từ ngày 1-3. Đối với bệnh nhân điều trị nội trú nhập viện trước ngày 1-3, vẫn áp dụng mức giá cũ.

Tuy nhiên, một số người dân cũng tỏ ra hết sức lo lắng, nhất là đối với những trường hợp bị bệnh mãn tính, có thẻ BHYT đồng chi trả, vì theo Thông tư 37, đến ngày 1-7, giá dịch vụ sẽ tiếp tục tăng lên, mức giá này không chỉ được tính bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù mà còn gồm cả tiền lương. Chị Nguyễn Thị Bích Phương (xã Công Hải, Thuận Bắc) có chồng chạy thận nhân tạo hơn 3 năm nay, chia sẻ: BHYT của chồng tôi thuộc dạng đồng chi trả BHYT 80%, còn gia đình phải đóng 20%. Trước đây, chi phí mỗi lần chạy thận là 460.000 đồng/lần, cộng thêm 25.000 đồng tiền chạy máy nữa là 485.000 đồng. Mỗi tuần chạy 3 lần, cộng thêm tiền thuốc tính ra khoảng 2 triệu đồng. Vừa rồi tôi được bác sĩ thông báo không phải đóng tiền chạy máy nữa nhưng chi phí mỗi lần chạy thận là 499.000 đồng, số tiền tăng không là bao. Tuy nhiên theo tôi được biết, đến ngày 1-7 sẽ có đợt tăng giá mới, mỗi lần chạy thận có giá 543.000 đồng, cộng thêm thuốc men, số chi phí tăng lên khá lớn nên việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một dịch vụ được nhiều bệnh nhân quan tâm nữa đó là giá dịch vụ giường bệnh. Mức giá mới theo quy định áp dụng từ ngày 1-3 từ 50.000 đến 350.000 đồng/ngày điều trị, tùy thuộc loại giường và khoa. Tuy nhiên đến ngày 1-7, mức giá này tăng lên, ở mức từ 126.000 đồng đến 560.000 đồng/ngày. Trong trường hợp những bệnh nhân thường xuyên điều trị nội trú có BHYT đồng chi trả đây cũng không phải là khoản tiền nhỏ.

Bác sĩ Lê Vũ Chương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế, cho biết: Việc tăng giá dịch vụ y tế là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển. Giá dịch vụ tăng, đòi hỏi các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, do đó nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cũng đáp ứng tốt hơn, nhất là đối với các đối tượng có thẻ BHYT, đồng thời mang lại sự công bằng trong hưởng thụ dịch vụ y tế đối với những người yếu thế trong xã hội. Điều này cũng nhằm nâng cao ý thức cho người dân tham gia BHYT, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân trong thời gian không xa.