1/ Biểu hiện và tính nguy hại của dịch bệnh do vi-rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ trẻ em:
Vi-rút Zika là một vi-rút RNA (arbovirus) thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae, được lây truyền qua vết cắn của nhóm muỗi Aedes bị nhiễm. Tên của vi-rút lấy tên của khu rừng Zika, gần hồ Victoria ở Uganda, nơi đã được tìm thấy vi-rút Zika đầu tiên vào năm 1947.
Vi-rút Zika thường được dung nạp tốt. Bệnh không có triệu chứng điển hình biểu hiện như một dạng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết, với sốt, phát ban, đau đầu và đau khớp, viêm kết mạc, đau mỏi các chi. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra hội chứng Guillain-Barré (viêm đa rễ thần kinh) ở bệnh nhân cũng như bệnh đầu nhỏ trong bào thai của người phụ nữ mang thai. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC) cho rằng, hiện nay, hội chứng đầu nhỏ và viêm đa rễ thần kinh hai có thể liên quan đến vi-rút Zika đang tiếp tục được điều tra, nghiên cứu. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng nhưng vẫn chưa thể khẳng định vi-rút Zika liên quan đến hai hội chứng này.
2/ Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm vi-rút Zika: Có 3 vấn đề khó khăn lớn hiện nay:
- Vi-rút Zika thường được dung nạp tốt nên theo WHO có đến hơn 80% người nhiễm vi-rút Zika không có triệu chứng, tuy nhiên họ lại có khả năng lây bệnh cho người khác khi bị muỗi Aedes đốt, rồi muỗi này chích sang người khác. Hoặc có người nhiễm vi-rút Zika nhưng biểu hiện bệnh nhẹ nên không khai báo. Đòi hỏi sự tự giác của người đến hoặc về từ vùng có dịch vi-rút Zika, tự theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt thì đến ngay cơ sở y tế khai báo.
- Sự lan truyền vi-rút Zika từ người sang người qua vật trung gian truyền bệnh là nhóm muỗi vằn Aedes, là giống muỗi đang truyền bệnh sốt xuất huyết ở nước ta, nên khả năng nếu có nguồn bệnh thì sự lây truyền cũng có thể xảy ra.
- Bộ Y tế đã có khuyến cáo hiện nay bệnh do vi-rút Zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh.
3/ Diễn biến của vi-rút Zika và nguy cơ xâm nhập, lây lan trong cộng đồng:
Tại cuộc họp của Bộ Y tế với Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh mới nổi (EOC) sáng 16-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến thời điểm này đã có 44 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện vi-rút Zika. Các nước khu vực quanh ta như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan… đã công bố có người nhiễm vi-rút Zika. Việt Nam là nước có sự giao lưu quốc tế khá rộng nên nguy cơ xâm nhiễm vi-rút Zika là rất cao. Hơn nữa hiện nay, muỗi vằn Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là vật trung gian truyền vi-rút Zika vẫn đang phổ biến ở nước ta thì nguy cơ lây truyền vi-rút Zika lại càng cao. Sự lây truyền vi-rút Zika có thể tóm tắt như sau: Vi-rút Zika được truyền bởi muỗi hoạt động vào ban ngày, phân lập được từ một số loài trong chi Aedes như A. aegypti (truyền bệnh sốt xuất huyết), A. africanus , A. apicoargenteus , A. furcifer , A. hensilli, A. luteocephalus và A. vitattus. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm vi-rút Zika, vi-rút sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày có thể gây truyền vi-rút cho người hoặc động vật khác. Một cá thể muỗi nhiễm vi-rút Zika có thể truyền vi-rút cho các thế hệ muỗi con cháu. Ổ chứa tự nhiên của vi-rút Zika là các loại linh trưởng và một số loài gặm nhấm.
Để chủ động phòng chống bệnh do vi-rút Zika xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi-rút Zika khi không cần thiết. Người về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi-rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Hiện nay, trong nước chưa phát hiện ca bệnh nhưng Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát dịch chủ động lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đủ điều kiện xét nghiệm Zika. Kết quả có trong vòng 24 - 48 giờ. Những người trở về từ vùng dịch có thể đến các đơn vị đủ điều kiện để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân để phòng chống bệnh do vi-rút Zika cần áp dụng biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy như phòng sốt xuất huyết.
BS Nguyễn Năm