Vai trò của Ban đại diện cha mẹ HS có nhiều đóng góp ý nghĩa
Các cơ sở GD&ĐT đã phát huy được vai trò chủ động trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - đoàn thể, chính quyền - ban ngành ở địa phương; tạo được môi trường thuận lợi giúp HS nâng cao khả năng tự nhận thức, tự giáo dục, tự rèn luyện mình về tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa nhằm hoàn thiện nhân cách bản thân.
Công tác đảm bảo an ninh an toàn, trật tự trường học, phòng chống các tệ nạn xã hội đã được tổ chức ngày càng hiệu quả với sự tham gia của các ban, ngành Trung ương và địa phương. Công tác thông tin liên lạc giữa nhà trường với gia đình HS đã được triển khai bằng nhiều phương thức, phù hợp với điều kiện của địa phương đảm bảo sự thông suốt, kịp thời.
Vai trò của Ban đại diện cha mẹ HS đã ngày càng được phát huy và có nhiều đóng góp có ý nghĩa trong việc giáo dục HS, phối hợp tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tuyên truyền nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa giáo dục.
Hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương và trách nhiệm xã hội đối với HS ngày càng được các nhà trường, cộng đồng quan tâm thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tình nguyện vì cộng đồng, hiến máu nhân đạo trong HS...
Mặc dù vậy, công tác phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ chế phối hợp còn lỏng lẻo; ở nhiều nơi chưa phát huy vai trò của từng chủ thể trong công tác phối hợp, nhất là chưa phát huy được vai trò của chính quyền địa phương trong việc tham gia quản lý HS và quản lý các hoạt động xã hội trên địa bàn để tạo ra môi trường an toàn, thân thiện cho HS.
Công tác trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình HS chưa hiệu quả, chưa thường xuyên. Nhiều gia đình chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với HS, vẫn còn có tình trạng phó mặc cho nhà trường, coi trách nhiệm trong việc giáo dục HS là của nhà trường.
Tổ chức các hoạt động gắn kết gia đình và nhà trường
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chức họp cha mẹ HS định kỳ hàng năm, để tăng cường sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường, đồng thời, trao đổi các biện pháp nhằm phối hợp giáo dục đạo đức lối sống cho HS.
Sử dụng hiệu quả thời gian của tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học để tổ chức các hoạt động, định hướng, giới thiệu đầy đủ các thông tin liên quan về học tập, rèn luyện, cơ chế trao đổi thông tin giữa nhà trường, gia đình HS...
Thường xuyên mời chuyên gia để trao đổi kinh nghiệm với những chuyên đề có nội dung thiết thực trong công tác giáo dục HS cho các bậc cha mẹ. Tổ chức hoạt động có sự tham gia của thầy cô giáo, cha mẹ và HS.
Triển khai các hình thức liên lạc thường xuyên với cha mẹ HS, coi đây là hoạt động nhằm tạo sự gắn bó, kết nối giữa các bậc phụ huynh và nhà trường. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để nhà trường tiếp nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp từ cha mẹ HS để nhà trường ngày một phát triển và hoàn thiện hơn.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo cần ký kết chương trình phối hợp với các tổ chức đoàn thể và lực lượng trên địa bàn nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Các nhà trường làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ gia đình giáo dục HS.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại