Thầy giáo Nguyễn Cam, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ninh Sơn, cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, ngay từ đầu mỗi năm học, phòng chỉ đạo các trường đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với đặc thù của ngành; đưa nội dung Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” thành hoạt động thường xuyên. Ngoài các phong trào chung, ở mỗi cấp học, phòng xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, cụ thể.
Giờ lên lớp của cô và trò Trường PTDTBT THCS Phan Đình Phùng (xã Ma Nới).
Đối với cấp học Mầm non, chủ động cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức, giúp giáo viên nắm được mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy, lựa chọn đề tài đúng chủ điểm, thực hiện giờ dạy linh hoạt. Đến nay, 100% trường Mầm non áp dụng Chương trình giáo dục mầm non mới vào giảng dạy. Tính ưu việt của chương trình là giáo viên lấy trẻ làm trung tâm, dựa vào khả năng của trẻ để đưa ra cách dạy phù hợp. Tổ chức hài hòa giữa chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, chuyển tải nội dung và giúp trẻ lĩnh hội được các kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu. Đặc biệt, đối với trẻ là người dân tộc thiểu số, Chương trình giáo dục mầm non mới lồng ghép nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong các hoạt động hằng ngày, giúp các cháu khắc phục được những khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Việt.
Ở bậc Tiểu học, phòng GD&ĐT huyện tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên đánh giá HS theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Đảm bảo dạy đủ tất cả các môn theo hướng dẫn phân phối chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng. Ngoài các môn học bắt buộc theo quy định, các đơn vị trường học tổ chức dạy tiếng Anh cho HS khối 3,4 và 5. Triển khai dạy Mỹ thuật theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”; tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục (bảo vệ môi trường, tài nguyên; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quyền và bổn phận của trẻ em; bình đẳng giới; an toàn giao thông...) vào các môn học chính khóa và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Ở bậc THCS, xây dựng, phân phối chương trình đúng theo hướng dẫn của ngành; đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, chương trình, kế hoạch dạy học. Đối với các đơn vị trường học, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng tinh giảm nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá, vận dụng tốt các phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, giúp HS vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ban giám hiệu các trường tổ chức tốt việc bàn giao và cam kết chất lượng đầu năm học ngay trong Hội nghị cán bộ, viên chức; gắn danh hiệu thi đua của giáo viên với những chỉ tiêu bắt buộc như: Chất lượng giờ dạy, HS giỏi huyện, bồi dưỡng HS yếu kém. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các nguồn quỹ hỗ trợ công tác ôn thi HS giỏi các cấp, tạo phong trào mũi nhọn trong học tập cho các nhà trường… Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của huyện không ngừng được nâng lên. Năm học 2014-2015, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mức độ hoàn thành về phát triển năng lực ở HS TH đạt 96,9%. Tỷ lệ HS khá, giỏi cấp THCS đạt 56,2% (tăng 0,45%); HS yếu kém 6% (giảm 1,64%). Toàn huyện có 14 HS THCS đạt giải văn hóa cấp tỉnh, tăng 5 giải so với năm học 2013-2014.
Năm học 2015-2016 là năm thứ 3 ngành GD&ĐT huyện Ninh Sơn thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tin rằng, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ngành GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục nỗ lực vượt khó, gặt hái nhiều thành công trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học.
Phạm Lâm-Tiến Mạnh