Có dịp tham dự một số tiết học theo mô hình VNEN của học sinh (HS) lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (huyện Ninh Sơn), chúng tôi ghi nhận không khí học tập hào hứng, sôi nổi. Trong lớp, HS ngồi học theo nhóm, mỗi nhóm 8 em. Khi cô giáo đưa ra câu hỏi, các nhóm cùng nhau bàn luận sôi nổi, sau đó hăng hái phát biểu ý kiến, tạo bầu không khí học tập hết sức sinh động. Cô giáo Nguyễn Thị Hòa Vân, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, chia sẻ: Đây là mô hình rất hay. Học tập theo phương pháp mới, HS được thỏa sức phát huy ý sáng tạo, thế mạnh nổi trội của mình, các em được học tập và làm việc theo nhóm nên tự tin, dạn dĩ hơn rất nhiều.
Giờ học theo mô hình VNEN của thầy và trò Trường THCS Nguyễn Trường Tộ.
Năm học 2015-2016, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ có 4 lớp, với 128 HS khối 6 tham gia thí điểm mô hình VNEN. Cô giáo Văn Thị Thanh Thúy, lãnh đạo nhà trường, chia sẻ: Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai dạy học theo mô hình VNEN, ngày từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức trao đổi với phụ huynh HS, mua sắm thêm một số trang thiết bị dạy học, đồng thời lựa chọn đội ngũ giáo viên có đủ năng lực tham gia tập huấn tại Sở GD&ĐT để giảng dạy các lớp thí điểm. Tuy mới triển khai, song mô hình VNEN đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp HS tiếp cận với những phương pháp dạy học mới. Mỗi tiết học đều diễn ra sôi nổi, thoải mái, HS trở nên năng động, mạnh dạn và tích cực hơn trong học tập cũng như các hoạt động ngoại khóa.
Đến thăm Trường THCS Trần Phú (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), chúng tôi cũng nhận được những tín hiệu vui tương tự về thực hiện mô hình VNEN. Năm học này, trường có 2 lớp 6, với 70 HS dạy học thí điểm theo mô hình VNEN. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Trâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Chuẩn bị cho việc dạy và học thí điểm theo mô hình VNEN, trường đã dành riêng hai phòng học có gắn máy chiếu cố định, phục vụ tốt nhu cầu dạy và học của các lớp thí điểm. Phòng Tin học của trường cũng được đầu tư đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu thực hành cho HS. Nhờ được tiếp cận với mô hình VNEN từ cấp TH nên khi vào lớp 6 các em “nhập cuộc” rất nhanh. Sau gần 3 tháng triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp HS các lớp tự tin, tự giác, mạnh dạn trong giao tiếp, phát huy năng lực, sáng tạo, tiếp thu bài học nhanh hơn.
Có thể nói, việc áp dụng thí điểm phương pháp dạy học theo mô hình VNEN ở các trường THCS đang phát huy hiệu quả, tạo môi trường học tập thân thiện, giúp giáo viên, HS có những giờ học sôi nổi, hào hứng. Tuy nhiên, do không được hỗ trợ kinh phí nên một số trường thực hiện thí điểm mô hình vẫn còn thiếu trang thiết bị dạy học. Đơn cử như Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, có 4 lớp học theo mô hình VNEN nhưng chỉ có 2 máy chiếu và 6 máy vi tính phục vụ nhu cầu thực hành môn Tin học (trong khi yêu cầu của mô hình VNEN là 2 học sinh/máy tính), hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện của trường cũng còn nghèo nàn… Ngoài ra, khi học theo mô hình này, một số HS có học lực khá, giỏi, năng nổ vươn lên rất nhanh, số em có học lực yếu, nhút nhát có phần chững lại, gây tâm lý lo ngại cho nhiều phụ huynh… Bởi vậy, để mô hình VNEN ở cấp THCS ngày càng phát huy ưu điểm, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã khắc phục khó khăn bằng cách liên hệ mượn thêm 10 máy tính từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Lãnh đạo các trường THCS lựa chọn, đào tạo giáo viên đứng lớp đạt chuẩn theo quy định, có kỹ năng sư phạm tốt và thật sự tâm huyết với nghề. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chủ động, linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm khơi dậy niềm đam mê, hứng thú, khả năng sáng tạo của HS; tập trung quan sát, đánh giá năng lực, hỗ trợ nhiều hơn cho những em yếu kém, giúp các em tự tin trong giao tiếp, học tập, rút ngắn khoảng cách với các bạn khá, giỏi để phụ huynh HS thật sự yên tâm, tin tưởng vào việc học của con em mình.
Phạm Lâm - Ngọc Diệp