Ghi nhận qua thực hiện " Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn"

(NTO) Trong những năm qua, thực hiện theo tinh thần Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”; Thỏa thuận liên nghành số 15/TTLN ngày 15/11/2010 giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã ký thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng cấp tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: thành lập các tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, góp vốn cho vay quay vòng... mang lại hiệu quả thiết thực. Để quản lý tốt các nguồn vốn, Hội LHPN các cấp đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng; tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiện toàn các tổ vay vốn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức hội cơ sở, tổ trưởng tổ tiết kiệm-tín dụng thực hiện các nhiệm vụ do Ngân hàng ủy nhiệm; xây dựng mô hình tổ theo đúng tinh thần hợp tác thỏa thuận giữa Agribank và Hội phụ nữ, phối hợp với cán bộ Ngân hàng chuyển tải vốn đến các vùng nông thôn để đầu tư cho các hộ tự nguyện gia nhập tổ, tạo cộng đồng trách nhiệm để giúp nhau trong sản xuất và đời sống, đồng thời có điều kiện để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Song song với công tác vay vốn, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, trong thời gian qua, Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản, kỹ năng quản lý sử dụng vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho hầu hết các thành viên vay vốn nhằm giúp hội viên nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao. Nguồn vốn tín chấp với Ngân hàng thực sự là đòn bẩy, là phương tiện giúp hội viên có vốn để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, tránh tình trạng đi vay nặng lãi...

Phụ nữ xã Nhơn Hải (Ninh Hải) sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT đầu tư phát triển sản xuất.
Trong ảnh: Mùa thu hoạch hành tỏi của gia đình chị Phạm Thị Liễm ở thôn Mỹ Tường 2.

Tính đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn do Hội LHPN quản lý trên 717,1 tỷ đồng với trên 41.380 hộ vay, trong đó nguồn vốn do Ngân hàng NN&PTNT cho hơn 1.050 hội viên Hội Phụ nữ vay là trên 22,9 tỷ đồng. Điều đáng nói là hầu hết các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, biết tính toán khi đầu tư, cải tiến mẫu mã để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, giải quyết thêm việc làm cho gia đình tại địa phương, cải thiện đời sống. Có thể nói đây là kết quả từ mô hình liên kết vay vốn giữa các cấp hội phụ nữ với chi nhánh Agribank cùng cấp, bởi cho vay thông qua tổ vay vốn vừa giảm giảm bớt thủ tục hành chính, vừa “giảm tải” cho cán bộ tín dụng từ khâu thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ… Mặt khác, việc quản lý được thực hiện chặt chẽ vì Tổ trưởng vay vốn quản lý theo khu phố, liên canh, liên cư, tạo điều kiện để nắm bắt kịp thời những khó khăn, nhu cầu vốn ,khả năng quản lý, sử dụng vốn của tổ viên…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn. Việc thành lập tổ vay vốn của Hội Phụ nữ (nguồn vốn của Ngân hàng NN&PTNT) tại các địa phương còn hạn chế, chỉ mới thành lập được 41 tổ với trên 1.050 hội viên đang vay với số tiền vay gần 23 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ cho vay qua tổ vay vốn, 0,9% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn và 0,74% tổng dư nợ cho vay toàn chi nhánh!. Mặt khác, công tác triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chưa thường xuyên; một số địa phương cán bộ Hội luân chuyển, thay đổi nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động ủy thác và liên ngành. Chưa xây dựng được kế hoạch kiểm tra, giám sát liên ngành giữa Hội LHPN và Ngân hàng NN&PTNT...

Để khắc phục những hạn chế đã nêu, trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn; tạo sự kết dính chặt chẽ trong mối quan hệ phối hợp cho vay giữa ngân hàng và tổ chức hội. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hướng dòng vốn cho vay vào các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Tăng cường việc tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp người vay vốn phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời, hàng năm phối hợp với Ngân hàng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cơ sở Hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn...để khắc phục kịp thời những tồn tại đồng thời nhân rộng những điển hình, cách làm hiệu quả.