CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Bài học… “nhãn tiền”!

(NTO) Anh bạn tôi là nhà nông chính hiệu “con nai vàng” nhưng lại có cách tính toán làm ăn khá “lạ” trong sản xuất nông nghiệp. Anh thường “tự trào”:- Nhà nông thời “a còng (@)” thì phải biết “tính”, biết “toán”… mới có thể trụ được!. Vậy ông bạn tôi tính, toán ra sao?. Cách làm cũng không lấy gì làm mới đó là tự “phá” thể độc canh một loại cây trồng để… sản xuất nhiều “mặt hàng”: lúa để cung ứng lương thực cho cả nhà và lấy phụ phẩm để chăn nuôi (tuy không nhiều); trồng cả nho lẫn táo… để tạo thành thế “chân vạc”, mất cây này còn cây khác nếu gặp thời tiết xấu, làm ăn không thuận và trên hết là có nguồn thu liên tục trong năm, thu từ cây này đầu tư cho cây khác… xoay vòng, khép kín. Với cách tính như vậy ông bạn tôi tuy không giàu lắm nhưng vài năm qua cũng có thu nhập kha khá để lo cho con cái học từ phổ thông đến đại học mà không phải ai cũng có thể đảm đương để con cái chỉ chuyên chú học hành, không phải đi làm thêm để kiếm sống, hay nói như sinh viên là để “cọ xát” với thực tế mà rút kinh nghiệm!.

Mùa thu hoạch táo của nông dân phường Bảo An, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Sơn Ngọc

Mới đây, ông bạn tôi qua nhà biếu một bịch to cả táo lẫn nho gọi là để ăn chơi!. Tôi nửa đùa nửa thật: -Táo, nho rớt giá bán không được mới đem cho bạn bè chứ gì?. Thay vì rầu rĩ anh lại cười khà khà: - Ông nhạy thông tin lắm nhưng… không đến nỗi nào, chuyện bình thường của nông nghiệp ấy mà!. Đến lúc tôi ngạc nhiên: - Lạ thật, người trồng táo đang “kêu trời” không thấu vì giá quá thấp, nghe đâu chỉ còn 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg nếu táo… chọn, giảm hơn một nửa so với các vụ trước. Khổ một nỗi là vào vụ thu hoạch chính nên dù không bán cũng “cầm giàn” chịu lỗ công, phân thuốc… còn ông bạn tôi lại… ung dung. Như đoán được thắc mắc của tôi, anh giải thích: - Đơn giản, bài toán của tôi là mua một đàn dê, cừu hơn chục con cho nó ăn cả cành lá và táo… “ế” xả ra, khỏi phải đi tìm thức ăn. Ngoài táo của nhà, ai bán rẻ thì mua thúc cho đàn gia súc. Đến vụ tới theo dự đoán thế nào cũng có giá trở lại, vậy là mình bán dê, cừu đi để lấy tiền lãi đầu tư tiếp!. Ông thấy tôi tính có… hợp lý không?. Anh có vẻ tâm đắc: - Trong cái khó phải tìm cho được cái lợi thế để vượt qua, để có thu nhập. Tôi “khoái” tầm nhìn xa về thương hiệu của ông Ba Mọi. Ví thử như vụ táo, nho này, ai rớt giá thì rớt còn đến tại nhà vườn của ông Ba Mọi thì nghe đâu nho, táo vẫn giữ giá ổn định như trước, lại được du khách tiêu thụ mạnh nữa là đằng khác!.

Thực ra, chuyện tính toán của anh bạn tôi hiệu quả tới đâu thì còn chờ thời gian trả lời nhưng tôi tin là với “tài” xoay xở của anh chắc không đến nỗi thất bại. Riêng về thương hiệu thì rõ ràng là bài học “nhãn tiền” cho người sản xuất. Bởi lẽ, chỉ sản xuất mà thiếu gắn kết với doanh nghiệp để chí ít là tìm được đầu ra ổn định, lâu dài thông qua hợp đồng mà chỉ chạy theo giá theo kiểu nơi nào mua giá cao thì bán và ngược lại dẫn đến mất chữ “tín”, làm nản lòng người tiêu thụ. Thực tế đã chứng minh về hiệu quả của liên kết “4 nhà”. Liệu từ vụ táo “thất bại” này, nhà nông đã đủ thấm thía về “tự sản tự tiêu”!.