Văn hóa đọc

(NTO) Sách là một sản phẩm kỳ diệu kết tinh tri thức của xã hội loài người. Nhờ có sách, con người tiếp thu được những kiến thức quý báu được tích lũy trong thời gian dài. Đọc một cuốn sách hay không chỉ giúp thư giãn sau một ngày mệt mỏi, căng thẳng mà còn đem lại cho chúng ta hiểu biết quý báu. Song ngày nay, đứng trước ngưỡng cửa của hội nhập và phát triển, sự bùng nổ của thời đại thông tin, sách không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất của con người, văn hóa đọc đang dần bị mai một.

 
Ảnh minh họa.

Sự xuất hiện của Internet trong đời sống xã hội đã tạo ra phương tiện đọc hiện đại, với một lượng thông tin, kiến thức khổng lồ. Tất cả thông tin mới nhất về kinh tế, văn hóa, xã hội trên khắp thế giới sẽ đến ngay trong vài thao tác đơn giản, với vài từ khóa khiến chúng ta lười ghi nhớ, lười tìm kiếm và đọc sách hơn trước. Để rồi không hiếm người trẻ quên lãng vai trò, vị trí của sách và văn hóa đọc, thậm chí cho rằng việc bỏ tiền mua sách là không cần thiết bởi mọi thứ đã có trên mạng… Bên cạnh đó, chúng ta đang bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh. Mọi người có xu hướng tìm đến các kênh giải trí và xem đó như một hình thức giải trí nhanh chóng và duy nhất sau những giờ học tập, làm việc. Chính vì vậy việc gìn giữ và phát huy văn hóa đọc đang là vấn đề đáng quan tâm.

Việc học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông mà phần rất quan trọng là tự học. Trong việc tự học, đọc sách là quan trọng nhất, giúp chúng ta tiếp thu kiến thức, vươn tới thành công. Vì thế cần phải gìn giữ và phát huy văn hóa đọc, đặc biệt lưu ý xây dựng văn hóa đọc cho giới trẻ và lứa tuổi thiếu nhi. Xem việc đọc sách như một “con đường sáng” để trưởng thành và phát triển con người thời đại mới. Từ một người thích đọc sách có thể phát triển thành một gia đình đọc sách, một xã hội thích đọc sách.