CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Ngày xưa viết báo

(NTO) Không biết có phải tôi thuộc nhóm máu V hay sao mà rất thích viết lách, tham gia báo chí. Hồi học cấp ba, tôi đã viết thơ tình, lớn tí tập tành viết lách dù cả hai bên nội, ngoại tôi cả đời chỉ biết cầm cuốc. Còn mình thấy cái gì thì viết cái đó, riết rồi quen!

Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, thấy việc lãng phí điện, nước, xăng xe… cơ quan, tôi mới viết một bài thuộc dạng “Chuyện như đùa” như giờ và gởi… hú hoạ về Tòa soạn Báo Thuận Hải (lúc đó tỉnh lỵ ở Phan Thiết, xa tít mù khơi Phan Rang). Không ngờ tuần sau, thấy bài mình được đăng và sau đó còn nhận được tờ báo có dấu “Kính biếu”, oai làm sao. Ngày nhận nhuận bút, tôi mời cả cơ quan liên hoan, ai cũng… vui vẻ nhận lời, chỉ có ba vị: Bí thư chi bộ, Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Nghe đâu, các vị tâm sự rằng tôi dám “vạch áo cho người xem lưng”… Đó, khởi đầu cho sự nghiệp… viết (mà không biết) lách của tôi không suôn sẻ tí nào, tiền mất (vì nhận nhuận bút mười đồng, chi liên hoan hết năm chục đồng), vạ mang (lãnh đạo không… ưa)!

Tôi lại tiếp tục sự nghiệp… dư của mình. Vài năm sau, toà soạn cử hai phóng viên ra “cắm chốt” tại Phan Rang, phụ trách cả khu vực bắc Thuận Hải, tôi lại có điều kiện chơi với… người làm báo và cộng tác với Báo Đảng. Làm báo lúc đó rất khổ vì điều kiện, phương tiện thiếu thốn, khó khăn, nhưng chúng tôi lại vui, khí thế… dữ lắm! Ví như 6 giờ sáng, chúng tôi ì ạch xe đạp lên tuốt vùng nguyên liệu thuốc lá Đồng Mé (Mỹ Sơn) để gặp Chủ nhiệm Hợp tác xã vì đã hẹn với nhau… tuần trước rồi. Khi đến nơi, vị này đi Đà Lạt thăm bà con mất tiêu. Hôm sau có hẹn, lên làm việc với nông dân xã Phước Sơn, đến nơi thì các ông mới vừa kéo nhau đi nhậu vì chờ chúng tôi quá lâu, lại không có “a-lô cầm tay” như bây giờ… Và còn không biết bao nhiêu chuyện trời ơi đất hỡi khác nữa. Mãi đến tháng 4-1992, tái lập tỉnh, mới có Tòa soạn Báo Ninh Thuận, hai phóng viên bạn tôi mới bớt khổ!

Tôi vẫn cộng tác với chuyên mục ban đầu với không biết bao lần lên bờ xuống ruộng, cực khổ! Thời đó, tôi rất… thật thà, để tên và địa chỉ dưới mỗi bài viết nên “đối thủ” dễ lần ra tông tích. Có lần thấy vài chức sắc đơn vị nọ kéo nhau từ quán “bia ôm” ra, lớn tiếng: Ui, đã quá, chơi hết tấn lúa chớ mấy… Tôi phản ảnh một bài viết. Ba hôm sau, đã thấy chủ quán bia cùng vài thanh niên bặm trợn kéo nhau qua lại trước nhà rồi, hồn vía lên mây! Hoặc tại khu vực Ủy ban nhân dân xã nọ, lãnh đạo xã xây dãy ki-ốt trước mặt trụ sở cho dân thuê kinh doanh. buôn bán, tôi có bài viết: Đục tường bung ra. Vài hôm sau, ông lãnh đạo xã này xuống cơ quan, đòi… đục vào mặt, tưởng chết đến nơi. Mô phật! Hoặc là Ủy ban huyện nọ cấp quyền sử dụng đất cho người… không còn sống, tôi phản ảnh bài: Cấp quyền sử dụng đất cho… ma. Sau đó gặp nhau ngoài đường, lãnh đạo huyện né dài, không còn mời mình đi… nhậu như xưa nữa. Chán chết được!

Nhiều khi suy nghĩ, hay là mình thôi tham gia chuyên mục “Chuyện như đùa” cho rồi, chuyển qua thơ văn ca ngợi quê hương, đất nước, con người… Đề tài này thì mênh mông, vô tận, viết từ ngàn xưa cho tới… ngàn sau cũng không khô cạn, có đất dụng võ mà lại không đụng chạm ai, biết đâu lại còn được giải thưởng này nọ, được “chiến hữu” quan hệ thân tình, thâm giao… Nghĩ là nghĩ thế, nhưng rồi khi cầm bút lên, tự nhiên lại tuôn ra mạch nguồn mình viết từ mấy mươi năm qua. Thì thôi cũng đành tiếp tục vậy! Mình rất thấm thía câu thơ của cụ Đồ Chiểu: “…Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!”, chỉ có điều là cây bút đó phải là bút… “rin” và cái tâm người viết phải thế nào, không bị ràng buộc, bị lệ thuộc bởi… gì gì đó để bút không bị tà, con nghĩ thế cụ Đồ ạ!