1. Bây giờ đã là đầu hạ, không gọi đích danh nhưng nhắc đến màu hoa đỏ, người ta nhớ ngay đến “loài phượng vĩ”. Đâu phải ngẫu nhiên mà trong vô vàn "kỳ hoa dị thảo", hoa phượng “lưu trú” trong tâm hồn con người một cách mặc nhiên như vậy bởi đó là “hoa học trò”.
Ảnh minh họa.
Bạn, tôi và rất nhiều thế hệ trước, sau chúng ta đã và sẽ là học trò. Bất hạnh thay cho những ai vì một hoàn cảnh nào đó mà không được hoặc chưa được sống một thời áo trắng tinh khôi! Tuổi học trò thì quá ngắn trong suốt hành trình dài dằng dặc của đời người. Vì vậy mà ta luôn trân quý và nâng niu cùng với những thêu dệt bướm hoa lãng mạn để lưu dấu một thuở hoa niên. Đó là thời sôi nổi và đẹp đẽ nhất. Và mỗi tháng Năm về, giữa không khí rộn ràng của bài vở, thi cử và cả những thắc thỏm âu lo thì đâu đó bên hè phố và một sớm nắng lên sân trường đã chúm chím những chùm phượng đỏ trên cao. Và bắt đầu những ngày ve ran, phượng thắm. Đó đây, những cô cậu học trò trao nhau những quyển tập chép vội những dòng lưu bút.
Có bạn mùa khai giảng năm sau còn gặp lại nhưng có bạn có thể mùa phượng năm nay sẽ là mùa phượng sau cùng. Bạn treo ước mơ của mình lên cành phượng vĩ. Bạn gởi ánh mắt lưu luyến và tin yêu cho người ở lại và những ai ngày mai bước qua khỏi cổng trường. Tiếng ve nghe chừng xao xác hơn, màu phượng dường như chói chang và không muốn nhạt phai trong màu nắng sân trường. Chút kỷ niệm hè nay sẽ còn bâng khuâng cho rất nhiều hè sau nữa…
2. Với tôi, mùa hè với học trò vui cũng lắm mà buồn lo cũng nhiều. Vui vì nghỉ hè trong ba tháng. Thời gian đó đủ để cho các bạn trẻ gần gũi với thiên nhiên, được gia đình cho tham gia những chuyến dã ngoại, du lịch hoặc về quê thăm ông bà, cô bác, họ hàng hay đơn giản là có những buổi chiều lang thang theo những con đường ngoại ô, thả mình trên bãi cỏ nghe tiếng sóng và nghe lá hát trên cao, ngắm những đám mây bồng bềnh trôi qua khoảng trời bình yên mùa hạ,… Thuở học trò, chúng tôi ai cũng thuộc và thích bài thơ “Nghỉ hè” của nhà thơ Xuân Tâm: “Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết/Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ…”.
Mùa xuân trong mùa hạ. Thi sĩ diễn tả cái tâm trạng hồn nhiên, vô tư, năng động và thích khám phá của tuổi học trò thật tài tình. Và tất nhiên, vì thi sĩ cũng từng là học trò. Mùa nào với tuổi thơ mà chẳng là “mùa xuân” nếu được vui chơi, vẫy vùng và khám phá. Ba mùa đến trường nên mùa hạ là “mùa xuân” học trò. Nắng vàng, trời xanh, đồng bãi thênh thang, cát vàng biển biếc vẫy gọi… Ôi chao còn gì bằng! Tuy nhiên với những cô cậu học trò cuối cấp, đang gói ghém hành trang để chỉ ngày mai thôi, các em sẽ bước qua quãng đời áo trắng. Các em sẽ đi tiếp với năm dài tháng rộng của mình bằng những khát khao, nỗ lực và tự tin. Hành trình ấy đòi hỏi ở các em một tinh thần học tập bền bỉ, năng động và sáng tạo. Cánh cửa cuộc đời luôn rộng mở với những ai biết nâng niu giá trị thời gian. Phía trước là ngày mai, là tương lai của các em. Và với các em, mùa phượng này sẽ nhiều luyến lưu, bâng khuâng và trân quý. Thầy cô, ngôi trường, hàng cây, ghế đá… xin nhường người ở lại. Cánh cổng trường thân quen khép lại và kỷ niệm nào cũng hóa xa xôi.
3. Kỷ niệm xa xôi theo ngày tháng nhưng nào có xa xôi trong nỗi nhớ học trò. Ký ức là một phần vẹn nguyên và chưa từng xưa cũ. Giữa những ngày tháng tất bật mưu sinh, bỗng một hôm dưới nắng trưa phố nhỏ chợt ngân vang tiếng ve và ngẩng đầu lên đã phượng chớm trên đầu. Ta muốn quay về thăm lại trường xưa, thầy cũ và cả những người bạn năm nào chưa gặp lại. Đời người có quá nhiều thứ để lo toan, để chắt chiu, gom góp nhưng mỗi mùa hoa đỏ về là một lần lòng ta trẻ lại, như sắp quên đi những áp lực áo cơm. “Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/Như tiếc nuối một thời trai trẻ…” ( thơ Thanh Tùng).
Thời trai trẻ của bạn, của tôi và của bao thế hệ học trò sẽ còn rộn ràng tiếng ve và thắm tươi màu hoa phượng. Một quãng đời áo trắng đẹp đẽ và tinh khôi đang lưu giữ những ký ức trong ngần nhưng cũng nhiều nuối tiếc.
Bùi Diệp