Người chiến sĩ từ cuộc chiến bước ra
Cha là cán bộ Việt Minh hy sinh trong lần giặc Pháp phục kích khi họ về làng, mẹ bị bệnh mất, anh được các cô chú Ban An ninh huyện nuôi dạy và cho làm giao liên từ lúc còn là cậu bé con. Thế nên, tuổi thơ của anh gắn liền với những lối mòn ngoằn nghèo giữa những cánh rừng đại ngàn Tây nguyên. Với những bước chân lúc đi, lúc chạy cả chục cây số để đưa lệnh, điện tín, công văn kịp thời đến người nhận. Công việc giao liên đơn giản nhưng không kém phần nguy hiểm bởi "tên rơi, đạn lạc" giữa rừng làm thương vong hoặc bị địch phục kích bắt bất cứ lúc nào. Ngày giải phóng, anh trở thành người chiến sĩ công an nhỏ tuổi nhất đơn vị. Sau này, do nhu cầu công tác, cấp trên chuyển anh qua làm công tác Đảng. Trải qua các cương vị cán bộ chuyên trách, Phó phòng rồi Trưởng phòng Tổ chức Huyện uỷ. Suốt quá trình công tác anh luôn hăng hái nhận mọi nhiệm vụ cấp trên giao và hoàn thành tốt. Thế rồi, anh được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện, một thời gian sau được điều động về làm lãnh đạo một ngành tỉnh. Do trình độ hạn chế nên dẫn đến sai sót trong công tác quản lý, anh nhận trách nhiệm về mình và xin từ chức. Sau này, anh chuyển công tác về cơ quan mới với chức danh chuyên viên chính. Là cán bộ trưởng thành trong kháng chiến, có quá trình công tác lâu năm, đã từng giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện, ngành tỉnh, có người suy luận về anh “lên voi, xuống chó” tránh sao tư tưởng tiêu cực. Nhưng sự thật đã chứng minh anh không như vậy. Làm chuyên viên thật chẳng dễ, phải nghiên cứu nắm chắc văn bản của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác được giao, tìm hiểu tình hình thực tế để chủ động tham mưu. Không những chăm chỉ nghiên cứu văn bản, đọc báo cáo của các địa phương, cơ quan, đơn vị anh còn chịu khó học hỏi đồng nghiệp cách soạn thảo văn bản cho dù họ chỉ đáng tuổi con mình. Anh tâm sự: Làm chuyên viên thời @, công nghiệp hoá khó thật. Với phẩm chất khiêm tốn, chuyên cần, anh trở thành tấm gương về tinh thần trách nhiệm trong công tác, về phong cách sống cho cánh trẻ noi theo. Cũng có những lúc chạnh lòng khi gặp bạn bè chiến đấu cũ, giờ họ đều là ông này, ông nọ hoặc những lời nói bâng giơ ám chỉ về anh của một vài công chức cơ quan, nhưng tất cả chỉ thoảng qua như ngọn gió trái mùa, bởi như anh thường nói với mọi người mình là “Người chiến sĩ ấy”!
Anh lính tình nguyện bảo vệ biên giới phía Nam của Tổ quốc
Có lẽ chuyện về những cậu học trò, những thanh niên tình nguyện nhập ngũ trong Đoàn quân 5504 (tỉnh Thuận Hải) lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia đầu năm 1979 giờ đây còn nóng hổi trong tâm trí nhiều người. Có những người trong họ giờ là đại tá trong quân đội hoặc đang là lãnh đạo chủ chốt huyện, sở ngành của tỉnh nhưng cũng có những người nay làm ruộng, là công chức nghiệp vụ trong cơ quan nhà nước. Anh bạn thân của tôi cũng là bộ đội tình nguyện nhập ngũ tháng 2-1979, đã từng chiến đấu ở tỉnh Preah Vihear trong gần ba năm. Anh có bản lý lịch khá ấn tượng: Cha mẹ tham gia chống Pháp-Mỹ, có anh em hiện đang giữ các chức vụ quan trọng, bản thân vừa nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, cấp tỉnh. Anh là người luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp, có trách nhiệm cao trong công tác được mọi người yêu mến. Thế nhưng cho đến nay, anh vẫn chỉ là trưởng phòng một cơ quan tỉnh. Có người nói với anh “Vị thế như ông mà giờ vẫn trưởng phòng thật hiếm có”! Anh hồn nhiên nói: Chức vụ càng to thì trách nhiệm với dân, với tổ chức càng lớn, dù được phân công làm nhiệm vụ gì, hãy cứ cố gắng làm cho thật tốt là hạnh phúc rồi. Và anh nói như nhắn gửi “Hãy luôn là người chiến sĩ ấy”.
Nhân dân tỉnh ta và đồng bào cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời khắc 40 năm vinh quang, nếu mỗi người dù ở vị trí công tác nào cũng luôn hành động như “Người chiến sĩ ấy”, làm việc, cống hiến hết sức mình sẽ góp phần đưa quê hương, đất nước tiến nhanh, tiến vững chắc, hội nhập cùng các cường quốc trên thế giới.
Bảo Ngọc