Nguyên nhân chủ yếu là trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi, tiêm chưa đủ mũi hoặc tiêm không đúng lịch. Việc phát hiện muộn và cách ly trẻ mắc bệnh sởi không đúng quy định, cũng góp phần làm cho bệnh sởi lây lan mạnh trong cộng đồng.
Trạm Y tế xã Phước Kháng (Thuận Bắc) tổ chức tiêm chủng vắc-xin sởi cho học sinh Trường TH Phước Kháng.
Ảnh: Văn Miên
Bệnh sởi làm suy giảm sức khỏe trẻ em trầm trọng, suy nhược kéo dài làm trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển; suy giảm miễn dịch làm trẻ mắc nhiều bệnh khác sau sởi như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm ruột, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi; chưa kể những biến chứng nặng như viêm màng não, viêm phổi nặng… có thể gây tử vong.
Để phòng, chống bệnh sởi có hiệu quả, bảo vệ con em chúng ta, đề nghị các bậc cha mẹ, cộng đồng, xã hội cùng chung tay thực hiện:
- Khuyến khích các bà mẹ có con trong độ tuổi từ 9 tháng tuổi trở lên, đưa trẻ đi tiêm vắc-xin sởi, không để tiêm quá muộn và tiêm đúng lịch ở mũi tiếp theo. Không để sót đối tượng, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
- Khi trẻ có hiện tượng sốt cao, mặt ửng hồng, ho nhiều, kết mạc mắt sung huyết (màu hồng nhạt) hoặc có dấu phát ban thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh kịp thời. Nếu chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh sởi thì cần thực hiện chế độ cách ly và chăm sóc cho trẻ theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.
- Trẻ mắc bệnh sởi có thể được điều trị tại nhà có cán bộ y tế chăm sóc, theo dõi, không cần chuyển tuyến trên và gia đình cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc, không kiêng cữ quá mức sẽ làm cho trẻ suy dinh dưỡng, bệnh có thể nặng thêm và sinh nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Cần theo dõi khi trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm sau:
+ Trẻ sốt rất cao từ 39,5o trở lên, kéo dài, không giảm sốt được bằng các cách hạ sốt thông thường như uống Paracetamol, lau nước ấm, cho uống bù nước…
+ Trẻ lơ mơ, li bì, bỏ bú.
+ Trẻ nôn ói nhiều, co giật.
+ Trẻ thở nhanh, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực.
Có một trong các dấu hiệu trên, nhanh chóng đưa trẻ nhập viện.
BS Nguyễn Năm