Hoài xưa

(NTO) Từng khúc ca xuân rộn vang khắp phố phường. Từng dòng người đua chen sắm sửa cho năm mới. Nghe âm vang những người con xa quê trở về đoàn tụ với gia đình trong ba ngày Tết. Vậy là xuân đến rồi! Lại một năm trôi qua, lại một mùa sum họp. Lại một mùa tôi biết mình đủ lớn để thấy những giá trị văn hóa xưa đang dần mất đi.

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

Tuổi thơ tôi đã bắt đầu biết đến mùa xuân bằng những câu thơ như thế. Bởi hằng năm, cứ vào ngày giáp Tết là ông nội lại chở tôi rong ruổi trên khắp con ngõ nhỏ, ngắm ông đồ với bộ áo dài đen, khăn đóng, bày biện giấy mực ngồi viết câu đối, để biết năm mới đã đến ngay trước thềm kia thôi.

Nhưng rồi thời gian không đứng lại chờ đợi một ai cả, lúc tôi lớn, cũng là khi tuổi ông xế chiều, từ giã cuộc đời để trở về cát bụi. Ông mất rồi, thì cũng mất dần những ông đồ già, những tàu giấy, thỏi mực. Hằng năm, vẫn chiếc xe đạp cũ kỹ ấy, vẫn con đường xao xác hàng me ấy…Tôi rong ruổi để đi tìm một điều gì đó- cũng không biết nữa- mà có lẽ là chút linh hồn Việt, chút không khí Tết xưa cũ. Tôi rất sợ ngày mai tôi lớn, tôi cũng theo dòng hội nhập, phát triển mà hoà tan chính mình. Vì vậy, dù ông bà đã mất cả, nhưng tôi vẫn bảo mẹ: “Năm nay vẫn như cũ mẹ nhé! Nhà mình phải gói bánh Tét, làm mứt, đổ bánh thuẫn đấy mẹ!” Và dù ở xa nhà, tôi vẫn gọi điện nhắc nhở thằng em nhặt lá mai, để hoa ra đúng dịp. Có lẽ là lo sợ một mai đây, nhà tôi sẽ phai dần cái không khí tất bật chuẩn bị cho Tết. Mất cả những đêm hai mươi chín Tết chị em tôi vây quanh nồi bánh chưng to đùng châm lửa, châm nước, kể cho nhau nghe những câu chuyện dân gian, thần thoại. Mất cả những đêm ba mươi cả nhà ngồi đón giao thừa, ôm ấp chuyện cũ. Mất cả cái vị béo ngậy, ngòn ngọt bốc lên từ nồi măng kho của mẹ…

Bạn bè bảo tôi khéo lo. Thời buổi này, chạy ra chợ mua mứt, mua bánh vừa khoẻ thân, lại vừa ngon. Tôi lắc đầu cười nhẹ, nụ cười của một đứa con gái 17 xa quê. Có lẽ là chút bân khuân của Vũ Đình Liên trong “Ông đồ”, chút hoài cổ, nhớ mong của một Nguyễn Bính “Chân quê” đang hoà quyện trong tôi. Luôn muốn níu kéo một linh hồn rất thật, rất quê, để một cái Tết sum vầy vẹn toàn ý nghĩa trong mỗi con người…

Mai là hai mươi ba tháng Chạp…

Tôi lại thu xếp quần áo, tạm gác việc học hành để chuẩn bị về quê ăn Tết- nơi mảnh đất được nhắc tên mỗi sáng thức giấc, nghĩ tới cuối cùng mỗi khi chìm vào giấc mơ. Tôi phải về để ngày mai phụ mẹ đưa ông Táo về Trời, về phụ ba dãy mộ. Thắp nén hương ngày ba mươi Tết tạ ơn ông bà tổ tiên, để nghe dội về một miền ký ức xa xưa nhưng vẫn còn đâu đó- miền ký ức có mùi hương trầm, có những mồng Một cả nhà đi tảo mộ, có mùi bánh tét, mùi mứt dưa thơm lựng, mùi bánh thuẫn ngào ngạt, mùi giấy mới pha vị nồng nàn của mực trên câu đối, mà có lẽ đi suốt một đời người, tôi vẫn chẳng thể nào quên được.