Vì sao án kinh tế, án tham nhũng được xử treo nhiều?

Sáng 14/6, trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao (VKSNDTC) Nguyễn Hòa Bình thừa nhận án kinh tế nhiều nhưng xử treo cũng nhiều đã tạo ra sự hoài nghi trong dư luận là chúng ta chưa kiên quyết chống tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã dành nhiều sự quan tâm, chất vấn đối với Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về chất lượng thực hành quyền kiểm sát, công tố của Viện.

Tỷ lệ xử án treo về kinh tế, tham nhũng là 30,08%

Về câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) liên quan đến tình hình án kinh tế và tham nhũng phức tạp nhưng lại được xử mức độ và đặc biệt xử lý án treo nhiều, Viện trưởng cho biết đây cũng là yêu cầu của Nghị quyết 37 đặt ra và yêu cầu các ngành lưu ý để khắc phục tình trạng. Tỏ ra đồng tình với ý kiến của đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Viện trưởng thừa nhận quả thực án kinh tế nhiều nhưng xử treo cũng nhiều đã tạo ra sự hoài nghi trong dư luận chúng ta chưa kiên quyết chống tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Viện trưởng cho biết: Tính đến thời điểm này số lượng xử án treo về kinh tế, tham nhũng là 30,08% cao hơn các án khác bình quân là 21%, tuy nhiên ở đây có 2 lý do:

Đối với án kinh tế, đây cũng là chính sách hình sự, trong đó chú trọng phải thu hồi được tài sản chiếm được trái phép, thậm chí phạt, đặc biệt đối với loại tội phạm lấy đồng tiền là phương tiện và mục đích phạm tội thì hình phạt phải là kinh tế chưa phải phạt tù. Đối với các vụ án kinh tế khi đã khắc phục hậu quả yêu cầu đặt ra hình phạt tù đối với án kinh tế không phải là cao. Đây cũng là định hướng khi chúng ta sửa đổi Bộ Luật hình sự (BLHS) và Tố tụng hình sự (TTHS).

Tuy nhiên, Viện trưởng khẳng định: Đối với án tham nhũng, cho đến giờ này, mặc dù số lượng cao nhưng tất cả các vụ án xử án treo đều đã vận dụng pháp luật đúng. Song, cũng có những vụ có kháng nghị, trong kỳ đã kháng nghị 39 trường hợp được tòa chấp nhận 26 trường hợp.

Theo Viện trưởng, giải pháp đưa ra trước hết phải kiểm soát chặt chẽ quá trinh xây dựng cáo trạng trong ngành có đề xuất án treo. Yêu cầu đối với vụ án tham nhũng cấp dưới đề nghị án treo phải trình cấp trên để kiểm tra. Trong trường hợp tòa tuyên có xử án treo mà không phải đề nghị của ngành thì phải qua cấp trên để xem xét kháng nghị.

Viện trưởng cho biết: Theo quy định của luật đối với án tham nhũng có rất nhiều tình tiết được vận dụng xử dưới khung, nhẹ hơn. “Chúng tôi đã chỉ đạo không được dùng 2 tình tiết: "có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu” – Viện trưởng nêu rõ. Theo lý giải của Viện trưởng, đối với án tham nhũng do chủ thể đa phần là người có chức, có quyền nên trước thời điểm phạm tội hầu hết là có nhân thân tốt. Còn đối với trường hợp phạm tội 1 lần thì không có chuyện tham nhũng rồi phạm tội lại tiếp tục làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp. Giải pháp liên quan đến các ngành, Viện trưởng cho biết đang tập hợp bàn với các ngành để các biện pháp giảm án treo trong án tham nhũng.

Chất lượng tranh tụng có "vấn đề "

Trước băn khoăn của đại biểu về chất lượng tranh tụng tại tòa của đội ngũ kiểm sát viên, Viện trưởng cho biết: Nâng cao chất lượng tranh tụng đây là yêu cầu xây dựng nền tư pháp mạnh. Viện trưởng thừa nhận có “vấn đề’ về chất lượng tranh tụng. Đây cũng là một trong những yêu cầu của Nghị quyết 37, cải cách tư pháp và mục tiêu phấn đấu của toàn ngành.

Theo Viện trưởng, giải pháp không cách gì khác là phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cán bộ, bồi dưỡng, đặc biệt cùng với tòa án tổ chức ngày càng nhiều phiên tòa điểm để kiểm sát viên tham gia rút kinh nghiệm. Sắp tới, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm trên toàn quốc với các án điểm, như vụ án xét xử ở Tiên Lãng (Hải Phòng) vừa rồi đã thực hiện tranh tụng tốt.

Theo Viện trưởng Hòa Bình, giải pháp về nghiệp vụ, chuyên môn, điều kiện của tranh tụng cần là cán bộ tốt, điều kiện đủ là phải nắm chắc hồ sơ. Do vậy, phải tăng cường gắn công tố với điều tra, càng nắm chắc bao nhiêu thì chất lượng tranh tụng tốt bấy nhiêu.

Bên cạnh đó, theo Viện trưởng, môi trường tranh tụng cũng hạn chế. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, số vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư trên phạm vi toàn quốc là 21% (trong đó 1/2 là theo yêu cầu), còn 80% không có có môi trường tranh tụng.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: “Lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết 37 giao chỉ tiêu cho các ngành công an, kiểm sát, tòa án nhưng chỉ tiêu rất căng... Viện trưởng đã có giải pháp gì mang tính đột phá để thực hiện lộ trình cải cách tư pháp về tổ chức bộ máy, về đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế?”

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 (Nghị quyết 37). Bằng nghị quyết này, Quốc hội cũng khẳng định những đóng góp quan trọng của các cơ quan tư pháp cho việc bảo đảm pháp luật, an ninh trật tự, bảo vệ nhân dân, bảo vệ phép nước

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại và đưa ra các giải pháp yêu cầu cao đối với các cơ quan tư pháp, trong đó có viện kiểm sát.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Chúng tôi xem việc triển khai tổ chức thực hiện triển khai Nghị quyết 37 là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013 và những năm tiếp theo, đã quán triệt toàn ngành, xuống đến VKS cấp huyện. Viện trưởng cho biết, nhiều địa phương còn tham mưu cho cấp ủy, HĐND ban hành Nghị quyết thực hiện Nghị quyết 37 với tinh thần tập trung theo 3 yêu cầu: khắc phục từng bước những tồn tại Nghị quyết 37 nêu lên; thực hiện bằng được các chỉ tiêu, coi đây là chỉ tiêu pháp lệnh trong ngành; báo cáo với Quốc hội kết quả thực hiện các mặt được và chưa được trong năm nay.

Trả lời cho sự quan tâm và băn khoăn của đại biểu về việc liệu một số chỉ tiêu cao ngành kiểm sát có thực hiện được không, Viện trưởng cho biết, đến nay chưa có số liệu báo cáo tập hợp đánh giá. “Chúng tôi hứa sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án, cơ quan thi hành án phấn đấu hết mình để đạt được các chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết 37"- Viện trưởng nói../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam