Cấp bách xử lý tình trạng "chặt chém" khách du lịch
Ngay từ khi mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) phản ánh tình trạng chèo kéo, "chặt chém", khó thu hút du khách quay trở lại và chất vấn: "Bộ trưởng đánh giá thế nào về bất cập trên và có giải pháp gì để khắc phục?".
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, tình trạng đó cần cấp bách xử lý, nhưng trên thực tế, hiện tượng đó là không phổ biến. Du lịch Việt Nam vẫn có hình ảnh tốt trong con mắt du khách. Theo Bộ trưởng, để xảy ra vấn nạn trên là do sự phối hợp liên ngành chưa tốt; việc kiểm tra, giám sát các điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, "chặt chém" du khách chưa được thường xuyên. Các văn bản liên quan để xử lý vi phạm này, mức độ xử lý còn thấp. Cuối cùng là bài học quản lý, kinh nghiệm từ quản lý điểm đến ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận ...
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn
của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, sắp tới, đề nghị Bộ báo cáo với Chính phủ có Nghị định tăng mức xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Trước băn khoăn của đại biểu ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về việc du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng so với một số nước trong khu vực, cũng như giải pháp để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Tiềm năng du lịch của Việt Nam lớn, nhưng để tiềm năng trở thành hiện thực cần cả quá trình từ tích lũy về kinh nghiệm đến nâng cao nhận thức của mọi người dân về du lịch. Dẫn chứng ở tỉnh Thanh Hóa vừa rồi đã tiến hành chiến dịch "Bàn tay sắt", xử lý nhiều cán bộ liên quan, có đường dây nóng, thành lập “Hiệp hội chống chặt chém”. Có thể thấy, nếu có tình trạng "chặt chém" thì vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên truyền, quảng báo ra sao?. Đây là vấn đề về nhận thức hành động đối với du lịch” – Bộ trưởng nói.
Đề cập đến việc một số nước như: Miaman, Ấn Độ, Nêpan,Thái Lan, Ai cập... có cảnh sát du lịch, Bộ trưởng cho biết: Ngày hôm qua, Bộ VH-TT&DL đã gặp Bộ trưởng Bộ Công an để trao đổi. Tuy nhiên, trong lúc chưa có, thì Bộ đề nghị cảnh sát trật tự tham gia với ngành du lịch bảo vệ an toàn cho khách du lịch, lắp camera ở các điểm đen du lịch, lập đường dây nóng...
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết thêm: Trong Chiến lược phát triển 10 năm của ngành du lịch, đến năm 2020, phấn đấu thu hút 10 - 10,5 triệu lượt khách, doanh thu 18 - 20 tỷ USD. Đến năm 2015, thu hút 7 - 7,5 triệu lượt khách, doanh thu 9 - 10 tỷ USD. Bộ trưởng khẳng định lại, tiềm năng du lịch là rất lớn, nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực đòi hỏi cần nhiều nỗ lực không chỉ của Bộ VH-TT&DL mà cần sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, cần “liệu cơm gắp mắm", đề ra chỉ tiêu mà không đạt được thì không nên.
Báo động xuống cấp đạo đức, văn hóa xã hội
Trước băn khoăn, lo ngại của các đại biểu về tình trạng xâm nhập các văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại, xuống cấp đạo đức xã hội, gây bức xúc trong nhân dân , Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, văn hóa là vấn đề hết sức rộng, nói không có sự xuống cấp là không phải, nhưng xuống cấp đến mức độ nào thì đây là tiếng chuông báo động.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, trong đó có đặt ra vấn đề tư tưởng, đạo đức, lối sống. Theo đó, cần triển khai mạnh mẽ Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về 01 năm thực hiện vấn đề này. Về phía Bộ, sẽ có trách nhiệm quản lý tất cả các mảng công việc, từ biểu diễn văn hóa nghệ thuật, điện ảnh, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc, mỹ thuật, nhiếp ảnh ... chặt chẽ hơn, hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại.
Nói về trách nhiệm quản lý nhà nước trong tổ chức lễ hội, trên một số phương diện buông lỏng, gây nên một số biến tướng như đại biểu phản ánh, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, trong quản lý tổ chức du lịch thì cần quán triệt từ Trung ương đến địa phương các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý tổ chức lễ hội. Đồng thời, các ban tổ chức phải xem xét quy mô, thời gian tổ chức lễ hội. UBND các tỉnh, thành phải tăng cường kiểm tra, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý tổ chức lễ hội cũng như tuyên truyền, quảng bá các nét đẹp của lễ hội.
Về quản lý hòm công đức, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ căn cứ vào Pháp lệnh tín ngưỡng và Thông tư 04 về văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội để cho sự đóng góp của nhân dân đúng địa chỉ; sử dụng tiền công đức đúng mục đích để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam