Bộ trưởng Phạm Hải Chuyền. (Nguồn: vnexpress.net)
Đào tạo nghề chưa gắn nhu cầu
Mở màn phiên chất vấn người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đặt vấn đề: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, nhiều cơ sở vật chất được trang bị cho các trường nghề nhưng hiện nay các nguồn lực này đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phát huy được hiệu quả, có nguy cơ lãng phí chỉ với duy nhất một nguyên nhân “có trường, có thầy nhưng lại thiếu trò”. ĐB nhận định một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là tay nghề của các học viên sau khi được đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù đã được đào tạo nhưng khi doanh nghiệp nhận vào vẫn phải đào tạo lại nên người học không ham muốn học nghề.
ĐB chất vấn: “Với vai trò là người trực tiếp tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng có giải pháp gì để vừa khai thác tốt nhất hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước tại các trường nghề, vừa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong sử dụng lao động hiện nay?”
ĐB cũng mong muốn Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chỉ rõ nguyên nhân tại sao chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề chỉ được thực hiện “khá mờ nhạt”?
Bức xúc trước thực trạng hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn chưa cao, đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu xã hội... ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) chất vấn: “Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên?”
Những chất vấn trên của các ĐBQH được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải trình khá kỹ. Theo Bộ trưởng, vấn đề dạy nghề cho lao động nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng là một trong những mục tiêu được Chính phủ đưa ra nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Những năm gần đây, đầu tư cho cơ sở dạy nghề được tăng cường hơn, vì vậy, đến nay cả nước đã có trên 1.000 cơ sở dạy nghề.
Bộ trưởng cho biết, về trách nhiệm của Bộ, chúng tôi thấy rằng phải hướng dẫn triển khai sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư. Vừa rồi, thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ đã đi kiểm tra và thừa nhận thực tế hiện nay một số đơn vị đầu tư chưa đồng bộ. “Trước tình hình đó, một mặt chúng tôi yêu cầu các địa phương đã quyết định đầu tư phải đồng bộ cả về vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên. Phía Nhà nước cũng hỗ trợ một phần kinh tế đầu tư” – Bộ trưởng nói.
Lý giải tình trạng cơ sở được đầu tư nhưng học sinh chưa nhiều, Bộ trưởng cho rằng: “Phần đông học sinh muốn vào các trường từ Trung cấp chuyên nghiệp trở lên đến Đại học. Tư tưởng muốn vào học trong các trường nghề chưa được thông suốt trong phụ huynh lẫn học sinh nên tỷ lệ học sinh học nghề chưa nhiều”. Bộ trưởng cũng thừa nhận “nội dung đào tạo, cơ sở vật chất đào tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp”.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng nhìn nhận trách nhiệm của ngành rất lớn. Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống ngành dọc (các trường nghề) đào tạo phải gắn với thị trường lao động. “Tất cả các trường nghề ở địa phương phải gắn với các doanh nghiệp ở xung quanh địa phương mình, họ cần cái gì thì đào tạo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Bộ trưởng cho rằng, các trường nghề phải hình thành bộ phận nắm nhu cầu thị trường để quyết định định hướng đào tạo cho trường.
Chỉ có 8 Ban quản lý lao động ở nước ngoài
Liên quan đến chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) về quản lý lao động tự do, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng những lao động tự do ở những địa giới hành chính sát biên đã có từ lâu đời. Phần đông họ là lao động không có chuyên môn, làm việc theo mùa vụ. Thực tế, lao động của ta sang nước bạn và lao động của nước bạn cũng sang nước ta làm việc.
Theo Bộ trưởng vấn đề ở đây là cách quản lý thế nào? “Vừa rồi, trên cơ sở lượng lao động ở những đơn vị sát biên đông nên chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một quy định về thống nhất quản lý lao động tự do giữa phía Việt Nam với Trung Quốc. Phương án này đã được chúng tôi trình Chính phủ” – Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của ĐB Lý Kiều Vân (Quảng Trị) về trách nhiệm của Bộ trưởng quản lý lao động ở nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết hiện nay nước ta có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Nhưng đến nay mới có 8 Ban quản lý lao động ở các nước, còn phần đông các cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Cũng theo Bộ trưởng, quy định về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp. Vì vậy trong những năm gần đây, tình trạng lao động không được thực hiện đầy đủ hợp đồng thì đều có can thiệp và cơ bản đều được giải quyết.
Thừa nhận có tình trạng một số lao động không đi theo đường quy định nên khi có vấn đề không được bảo vệ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn lao động khi quyết định mang sức mình đi làm việc ở nước ngoài thì phải biết họ là ai, quyền lợi của mình đến đâu thì hãy đi”.
Đối với việc thí điểm đưa lao động ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết đến thời điểm này đã đưa được khoảng 10.000 lao động của các hộ nghèo, tuy nhiên, hiện nay có một số người lao động về trước thời hạn. Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, Bộ trưởng cho rằng ý thức, phong cách lao động, khả năng chịu đựng của không ít lao động ở các huyện nghèo, đặc biệt là vùng sâu vùng xa còn kém. Bộ trưởng dẫn chứng: “Năm 2011, khi cùng đoàn Chủ tịch nước sang Malaysia, được gặp các lao động Việt Nam làm việc ở đây, làm việc với Bộ Lao động Malaysia và các doanh nghiệp sử dụng lao động của ta thì họ đều phàn nàn các lao động vùng nghèo không chấp hành kỷ luật lao động tương đối nhiều”.
Lộ trình về tăng lương tối thiểu là phù hợp
Trả lời chất vấn của ĐBQH về lộ trình điều chỉnh tiền lương, Bộ trưởng cho biết: Theo qui định của Chính phủ, lương cho khối hành chính sự nghiệp thì do Bộ Nội vụ trực tiếp xây dựng triển khai; lương cho khối doanh nghiệp thì do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện. “Theo phân công trách nhiệm, chúng tôi đã xây dựng lộ trình về tăng lương tối thiểu để làm cơ sở cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Năm 2012, chúng tôi cũng đã thực hiện chương trình đó. Khi ban hành mức lương tối thiểu theo 4 vùng, mức cao nhất là trên 2 triệu đồng thì cũng có 2 luồng ý kiến.” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng phân tích thêm, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, qui định mức lương như vậy thì mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, qui định như vậy là không chia sẻ với doanh nghiệp, trong lúc doanh nghiệp khó khăn lại đưa ra lương tối thiểu sẽ càng làm khó doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng lộ trình qui định 4 vùng lương tối thiểu là phù hợp. Người lao động cũng trên cơ sở đó chia sẻ với doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm chia sẻ bởi nếu doanh nghiệp không có người lao động thì cũng không phát triển được.
Bộ trưởng cũng cho biết, khi làm đề nghị này đã tính đến cả hai yếu tố: quyền lợi người lao động và trách nhiệm chia sẻ của doanh nghiệp. “Lộ trình như vậy là hợp lý. Mức chúng tôi đề cập cao hơn vì đã cân nhắc tình hình khó khăn, các doanh nghiệp phải sắp xếp lại thì có nên đặt ra không? Cuối cùng, Chính phủ quyết định vẫn phải có lương tối thiểu và lộ trình điều chỉnh” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam