Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời nhiều vấn đề hóc búa

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, chiều 14/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều nay được truyền hình,
phát thanh trực tiếp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại kỳ họp này, đã có 74 đại biểu Quốc hội gửi 160 phiếu chất vấn với 241 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Chính phủ trân trọng và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến trí tuệ, tâm huyết và có trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước nêu trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các câu hỏi chất vấn đã và đang được các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Trong hai ngày qua, đã có 3 Bộ trưởng trực tiếp trả lời và 7 thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Trong báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã làm rõ thêm một số vấn đề mà Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; 5 tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; công tác dạy nghề, tạo việc làm được đẩy mạnh. Kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu việc xâm nhập, lây truyền dịch bệnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được quan tâm, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; tiếp tục khẳng định và kiên định lập trường bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Về mục tiêu tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho biết: Nước ta trải qua nhiều chu kỳ lạm phát khác nhau, kéo dài nên vấn đề phát triển bền vững được đặt ra. Quốc hội từng nói, tăng trưởng cao mà lạm cao thì không có ý nghĩa với người dân. Chúng ta đã kiềm chế được lạm phát nhưng lạm phát cơ bản của ta còn rất lớn. Vì thế, ta cần thực hiện chủ trương nhất quán mà Quốc hội nêu ra trong đầu kỳ năm 2013. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách, nhất là về tài khóa – tiền tệ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã đề ra...”.

Phó Thủ tướng cho biết một số giải pháp bảo đảm tăng trưởng cho năm 2013. Theo đó, Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện phát phát triển kinh tế – xã hội 2013 mà Chính phủ đã nêu; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung mà Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển. Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 1792/CT-TTg khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công; tập trung đầu tư, bổ sung kịp thời vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành sớm để đưa vào sử dụng. Phê duyệt các dự án và bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn. Ưu tiên bố trí nguồn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ để góp phần tăng tổng cầu. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng phương án ứng trước vốn trong kế hoạch ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2014 để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2013. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA và vốn giải phóng mặt bằng của một số dự án hạ tầng quan trọng. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và xử lý nghiêm các vi phạm. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là một quá trình lâu dài, phức tạp, có phạm vi rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc triển khai thực hiện cần có thời gian, hiện nay đang trong giai đoạn đầu. Thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các đề án tái cơ cấu các lĩnh vực trọng tâm; tập trung tạo lập khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện thể chế phục vụ tái cơ cấu. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu đã đề ra; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả thực hiện. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh cổ phần hóa, hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính trước năm 2015; nâng cao năng lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng.

Sau phần báo cáo giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn của 14 lượt đại biểu Quốc hội của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập trung vào các nội dung: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Tiến độ, hiệu quả việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Quy hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật…

Trả lời đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) về công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trong báo cáo của Chính phủ đã nêu, nhưng có thể nói tình hình và chỉ đạo chống tham nhũng của chúng ta đồng bộ, đặc biệt là tập trung xây dựng thể chế, một loạt các Nghị định đã ban hành; tập trung chỉ đạo công tác phòng ngừa, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, điều tra...

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ cũng thấy được một số hạn chế như là chưa đạt yêu cầu mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng, có biểu hiện tinh vi, phức tạp, nhất là ở một số cấp, một số ngành, gây bức xúc cho nhân dân. Công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, nhưng chúng ta vẫn chưa làm tốt; thể chế đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn sơ hở; một số lĩnh vực phức tạp xảy ra tham nhũng chưa được ngăn chặn như là lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản, v.v...

Trả lời đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Một bộ phận cán bộ công chức vô cảm, thiếu trách nhiệm. Mặc dù có rất nhiều cố gắng trong lĩnh vực cải cách hành chính, nhưng mà chúng ta cũng nhận thức rất rõ còn nhiều bất cập, tồn tại, khuyết điểm, kết quả chưa được như mong muốn của người dân và doanh nghiệp, của các cơ quan chức năng.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thứ nhất, việc người dân vẫn phàn nàn thể hiện chúng ta chưa thành công nhiều về thủ tục hành chính, về cải cách hành chính. Thứ hai, hệ thống thể chế, bộ máy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Hai vấn đề quan trọng này làm ảnh hưởng đến cải cách hành chính ở nước ta.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 2 giải pháp lớn để báo cáo Quốc hội. Giải pháp thứ nhất là thực hiện nghiêm túc chương trình tổng thể cải cách hành chính 2011 – 2020, trong đó có một số đề án rất quan trọng: Đề án công vụ, công chức, một cửa liên thông, công bố bộ chỉ số cải cách hành chính và quy trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính. Thứ hai, triển khai đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân bằng việc áp dụng số định danh cá nhân.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) về tái cơ cấu Vinashin và Vinalines, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện tại, Vinashin sau khi thực hiện tái cơ cấu, hoạt động có sự ổn định hơn, quản lý tốt hơn, có điều lệ, có phương án sản xuất kinh doanh. Trong 216 doanh nghiệp không giữ lại đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp, còn gần 29.000 lao động, trên 74% trong số này có việc làm. Trong 3 năm đã đóng bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn với giá trị 1.215 triệu USD. Về tái cơ cấu lại nợ, 19 ngân hàng đã giảm nợ cho Vinashin đến 75% trong số nợ 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện tại, Vinashin vẫn lỗ nặng, quá trình tái cơ cấu vẫn còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức. Thực hiện tái cơ cấu Vinashin một cách cơ bản, toàn diện, quyết liệt giữa tái cơ cấu và giải thể, phá sản, kết hợp vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Với phương án tái cơ cấu đã trình lên sẽ còn 8 doanh nghiệp hoạt động, chọn 8.000 lao động giỏi, có tay nghề cao. Còn 216 doanh nghiệp không giữ sẽ bán cổ phần, 126 doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu sẽ cho phá sản. Phấn đấu đến 2015 xong việc chuyển nhượng những doanh nghiệp nhỏ lẻ này.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Nếu tái cơ cấu trở lại được thì chúng ta sẽ có 1 ngành công nghiệp với nhiều triển vọng mới, cấu trúc lại sở hữu với mô hình, thị trường cạnh tranh lành mạnh, đa dạng hóa cạnh tranh. Và, đặc biệt là giữ được đội ngũ công nhân lành nghề. Với một chiến lược phát triển biển, thế mạnh biển không thể không có ngành đóng tàu.

Có ý kiến cho rằng, Vinashin khó khăn thì sao không phá sản, thay vì tái cơ cấu. Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Vinashin là tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nếu cho phá sản thì Nhà nước cũng phải trả nợ thay cho Vinashin vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và đặc biệt là hàng nghìn gia đình không ổn định cuộc sống. Tái cơ cấu vẫn tốt hơn là cho phá sản. Nếu thị trường thế giới phục hồi, phát triển, các tập đoàn kinh tế trong đó có Vinashin sẽ có triển vọng, có tương lai.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Vinashin bị đổ bể do nhiều phương diện về sản xuất, kinh doanh, việc làm… Nguyên nhân chủ quan có việc quản trị tập đoàn lỏng lẻo, gây thất thoát. Nhà nước giao vốn, giao tiền, doanh nghiệp mở rộng khắp nơi, không quản lý. Thứ hai là khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, trong nước ảnh hưởng trực tiếp nhất đến vận tải biển.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, đã khởi tố bắt giam 8 cán bộ trong tập đoàn Vinashin; 5 tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Ninh, Nam Định, khởi tố 18 bị can và đang trong quá trình tố tụng. Có thể nói, pháp luật đã xử lý nghiêm khắc những cán bộ trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Vinashin gây thất thoát, lãng phí.

Đối với Vinalines, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, doanh nghiệp đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ và có xu hướng phục hồi nhanh hơn. Năm 2012, doanh thu 21.120 tỷ đồng, năm 2013 đã thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, hoàn thành phương án tái cơ cấu nợ, bán được một số tàu hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại nhân sự. Đặc biệt là đã trình Chính phủ ban hành lại điều lệ hoạt động doanh nghiệp, tiến hành cổ phần hóa một số cảng như Sài Gòn, Cam Ranh… và thoái vốn tại 14 doanh nghiệp.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam