>> Tác động từ kinh tế tập thể đối với nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà
>> Hiệu quả từ các Liên minh sản xuất vùng rau an toàn xã An Hải
Trở lại vùng RAT Văn Hải một ngày đầu tháng 9, chúng tôi hết sức vui mừng bởi những đổi thay nơi đây. Phần lớn diện tích canh tác đã được bà con lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ngoài ra, còn có 2 sào rau cải và 3 sào cà chua đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Gap. Anh Nguyễn Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX sản xuất RAT Văn Hải vui vẻ cho biết: “Hiện nay, bà con xã viên đã thực hiện khá thuần thục quy trình sản xuất RAT, đặc biệt rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Số lượng, chất lượng sản phẩm luôn đáp ứng tốt nhu cầu đã giúp RAT Văn Hải tạo được uy tín đối với các đối tác làm ăn, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Vợ chồng anh Lê Quang Khiết đang thu hoạch rau cải thìa của gia đình.
Tuy nhiên, để vận động, thuyết phục bà con xây dựng vùng rau an toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của Ban quản trị trong thời gian qua. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng thông tin tình hình sản xuất, giá cả thị trường, tạo điều kiện cho bà con trao đổi kinh nghiệm sản xuất.., Ban quản trị còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp bà con dần chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống, sang phương thức mới canh tác mới. Dựa vào điều kiện tự nhiên và nhu cầu tiêu thụ của thị trường, HTX cũng đã không ngừng mở rộng diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cho từng vùng nhằm khai thác hiệu quả kinh tế cao nhất. Hiện nay, ngoài một số loại rau như: cà rốt, cà, ớt, rau thơm, củ cải… 2 loại cây trồng chủ lực của HTX là cây cải thìa và rau húng quế, chiếm hơn 5 ha trên tổng diện tích. Đặc biệt đối với cây cải thìa luôn được thương lái và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng vì có chất lượng tốt, mềm, ngọt, ít xơ, thậm chí ăn đứt cây cải thìa Đà Lạt. Ngoài thị trường trong tỉnh, phần lớn lượng rau của HTX được đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối các tỉnh bạn như Tp.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa… với tổng sản lượng khoảng gần 3.000 tấn/năm, trong đó rau cải trên 1.000 tấn, rau quế 1.200 tấn, cà chua 300 tấn, ớt 100 tấn… Nhờ trồng rau, nhiều hộ xã viên từ khó khăn vươn lên ổn định đời sống. Anh Lê Quang Khiết, xã viên HTX RAT Văn Hải, có thâm niên trồng rau trên 10 năm, cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào đất trồng rau cải thìa. Đây là loại cây dễ trồng, kể cả thời gian làm đất, gieo giống đến khi thu hoạch chỉ mất khoảng 1 tháng nên xoay vòng vốn rất nhanh, chi phí đầu tư chăm sóc lại ít. Đặc biệt từ khi thực hiện quy trình sản xuất RAT, áp dụng phương pháp canh tác mới, năng suất cây trồng cao hơn hẳn từ 2,5 tấn/sào/vụ trước đây lên hơn 3 tấn/sào/vụ. Trừ chi phí sản xuất, mỗi vụ rau gia đình thu lãi từ 2,3-3 triệu đồng/sào”.
Qua quá trình hoạt động, HTX RAT Văn Hải còn thu hút nhiều dự án của các ngành chức năng, được các doanh nghiệp chọn làm nơi thí điểm một số mô hình, đưa giống cây trồng, kỹ thuật mới vào sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho bà con xã viên. Điển hình như Công ty BIEO của Hà Lan, chi nhánh tại Lâm Đồng đã đến khảo sát và tiến hành hợp tác trồng thử nghiệm 1 sào hành tím xuống giống bằng hạt. Ngoài kỹ thuật chăm sóc, giống, phân bón, công ty còn hỗ trợ thêm 20 triệu đồng công chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Qua quá trình thử nghiệm cho thấy, cây hành tím giống mới thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, mà lợi nhuận lại cao hơn nhiều so với phương thức trồng hành bằng củ truyền thống. Nếu sản xuất hành tím truyền thống mất từ 5-6 triệu tiền giống/sào, khi thu hoạch cho năng xuất khoảng 7 tạ thì đối với cây hành tím giống mới chỉ mất 3 triệu đồng tiền giống, năng suất đạt trên 1,2 tấn/sào. Công ty BIEO đã đề nghị HTX nhân rộng mô hình, mỗi vụ cung ứng cho đơn vị 60 tấn hành hành. Nhận thấy đây là hướng đi khả quan, đến nay đã có 10 hộ xã viên đăng ký tham gia với diện tích 2 ha. Ngoài cây hành tím, vừa qua Quỹ Hỗ trợ Nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho xã viên vay để nhân rộng mô hình cây măng tây xanh. Như vậy, ngoài cây cải và cây rau quế, HTX đã xác định hướng đi mới là tăng diện tích cây măng tây xanh và cây hành tím giống mới bởi đây là các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện nay HTX đang củng cố cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở làm việc, đầu tư hệ thống xử lý ozôn và dây chuyền đóng gói bao bì rau sạch… Thêm một tin vui là cuối năm nay, nhãn hiệu tập thể RAT Văn Hải sẽ chính thức được công bố. Đây chính là nền tảng vững chắc để nâng tầm thương hiệu RAT Văn Hải đối với thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo thêm tiếng vang nhằm thu hút các nhà đầu tư, dự án, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX RAT Văn Hải chia sẻ: “Có được kết quả trên trước hết phải kể đến sự nỗ lực của bà con xã viên. Tuy nhiên để duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX đòi hỏi mỗi thành viên trong ban quản trị phải làm tốt vai trò đầu tàu, trách nhiệm, tâm huyết, nhanh nhạy làm tốt từ khâu tuyên truyền, vận động, tạo sự đoàn kết giữa các thành viên trong HTX cho đến việc định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… và đặc biệt là luôn luôn đặt lợi ích xã viên lên hàng đầu. Có được những yếu tố cơ bản đó HTX mới có thể tồn tại và phát triển lâu dài”.
Uyên Thu