>> Phương Hải chuyển dịch từ nuôi tôm sang làm muối
>> Sản lượng muối toàn tỉnh tăng trên 54%
>> Phương Hải: Muối được mùa, trúng giá
Niềm vui được mùa, được giá
Ninh Hải là huyện có đồng muối diêm dân lớn nhất tỉnh ta, với diện tích canh tác ổn định 445,5 ha trải dọc theo các xã, thị trấn ven biển, trong đó riêng xã Tri Hải có 210 ha và xã Nhơn Hải có 140 ha. Kết thúc vụ muối năm nay, toàn huyện thu hoạch đạt sản lượng 95.000 tấn muối (đạt 118,75% kế hoạch). Chúng tôi vẫn còn nhớ vụ muối năm 2011, chị Huỳnh Thị Thơ, diêm dân ở Khánh Hội, xã Tri Hải làm chung 10 ha muối với nhiều hộ đã khẳng định: “Ruộng muối chúng tôi “nuôi sống” cỡ 100 lao động.
Mùa thu hoạch muối ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Văn Miên
Nếu tính công cán, vận chuyển, nhiên liệu đầu tư để bơm dẫn nước từ khoảng cách 5 km về, chỉ cần bán giá 500 ngàn đồng/tấn là đã có lãi đủ để trang trải”. Nay muối nền đất có giá bán 1,15 triệu đồng và muối trải bạt là 1,25 triệu đồng/tấn, đã tăng gấp đôi năm trước, có thể hiểu rõ ý nghĩa từ “trúng giá” của diêm dân. Bên cạnh niềm vui được mùa, được giá, điều đáng chú ý nhất là chất lượng hạt muối làm ra đã nâng lên. Trong sản lượng thu hoạch năm nay của huyện Ninh Hải có đến 80.000 tấn muối diêm dân được bán ra như giá thành muối công nghiệp, gây hưng phấn lớn cho diêm dân.
Vì sao muối được mùa, trúng giá? Rảo quanh trên cánh đồng muối từ Tri Hải qua Phương Hải, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với nhiều diêm dân và hiểu đâu là tác động. Trước hết nhờ thời tiết, từ đầu năm đến nay hầu hết vùng ven biển rất ít mưa và ngày nắng lại nhiều nên thuận lợi cho sản xuất muối. Được mùa trong khi nhiều vùng muối khác của cả nước liên tục bị mưa lũ gây thiệt hại, cộng với chủ trương ngưng nhập muối của Chính phủ vào thời điểm thu hoạch, là yếu tố quan trọng đã làm cho muối của diêm dân tỉnh ta trở thành nguồn cung chủ yếu, nên giá muối đã tăng cao.
Diêm dân xã Tri Hải (huyện Ninh Hải) thu hoạch muối. Ảnh:Thanh Long
Giải pháp nâng chất lượng
Thời vụ làm muối hằng năm được tính trung bình từ tháng chạp năm trước đến tháng 8 năm sau, gặp năm nắng hạn kéo dài có thể làm đến tháng 9. Quy trình sản xuất muối được tóm gọn trong công thức đơn giản “Đưa nước biển vào, đợi bốc hơi”, giữa muối công nghiệp và muối diêm dân có khác chăng là ở thời gian dành cho hạt muối kết tinh dài hay ngắn. Nếu nói về chất lượng muối diêm dân, phải nói đến vùng đất Tri Hải, mà đại diện là chị Trần Thị Tân, một phụ nữ ở cạnh cầu Đồng Nha, thôn Tri Thủy 2 được hầu hết diêm dân trong vùng tôn vinh là người mở đường ứng dụng công nghệ mới trong nghề canh tác muối. Sau khi được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ thực nghiệm mô hình muối sạch, đến nay trong diện tích 4,2 ha muối, chị đã có 2 ha ô phơi kết tinh muối cho 600 m2 ô trải bạt. Chị cũng chính là người thành lập Tổ hợp tác sản xuất muối đầu tiên ở địa phương với diện tích 8 ha, có 8 hộ tham gia. Đề cập tới chất lượng muối, chị Tân nói: “So với muối ngoại nhập, độ trắng và độ lẫn tạp chất cũng tương đương nhưng chỉ thua ở điểm trong muối chúng ta còn có “dính” chút cát. Điều này hoàn toàn khắc phục được nếu cho muối kết tinh trên ô trải bạt, còn trên nền đất thì cho kết tinh dài ngày hơn nữa”.
Nguyên nhân khiến chất lượng muối diêm dân không bằng muối ngoại nhập là do hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, làm kiểu “ăn xổi, ở thì”. Đến nay ở Tri Hải đã có 2 tổ hợp tác sản xuất muối của diêm dân. Kinh nghiệm từ hình thức kinh tế tập thể này cho thấy nhờ mặt nước đồng muối mở rộng, không những hạn chế đầu tư ao lắng, mương rãnh mà còn làm cho nước luôn dao động, bốc hơi và kết tinh nhanh, hạt muối trắng đẹp và chất lượng hơn. Theo một số chuyên gia, muối sản xuất ở nước ngoài sở dĩ ít lẫn cát, màu sắc trắng và hạt chắc là do để muối kết tinh dài ngày hơn. Diêm dân hoàn toàn có thể làm được như vậy nếu có tổ hợp tác hay hợp tác xã. Thêm nữa, qua mô hình này, Nhà nước sẽ dễ đầu tư, ứng dụng công nghệ hoặc mở lớp đào tạo kỹ thuật cho nghề muối. Đặc biệt, đây còn là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp tiếp cận và ổn định giá cho diêm dân, không còn bị sức ép chi phối giá bởi khâu trung gian của tư thương.
Sau nhiều năm giá muối lên xuống thất thường, đây là lần thu hoạch muối có giá bán cao nên đã tác động mạnh đến nghề làm muối địa phương. Tuy nhiên, để sản xuất muối bền vững, phải hướng tới chất lượng với hạt muối làm ra của diêm dân trắng tinh như muối nhập và lâu dài là phục vụ công nghiệp. Theo chúng tôi, trước xu hướng phát triển mới, ngành chức năng và địa phương cần nhân rộng mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực sản xuất của diêm dân và tăng cường đầu tư, chuyển giao kỹ thuật mới, mà trước mắt là hỗ trợ đầu tư công nghệ trải bạt kết tinh muối.
Đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:Có thể nói, năm nay điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất muối, thêm vào đó giá muối luôn ở mức ổn định từ 1 -1,1 triệu đồng/tấn, đã mang lại thu nhập rất cao cho các hộ diêm dân. Đáng chú ý là diện tích sản xuất muối trải bạt có xu hướng mở rộng nên chất lượng hạt muối được nâng lên. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nghề muối theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho diêm dân cần phải đẩy mạnh việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất. Thông qua các Tổ hợp tác sản xuất muối, việc liên minh với các doanh nghiệp nhằm kết nối thị trường và đảm bảo "đầu ra" của sản phẩm sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, diêm dân cũng sẽ có điều kiện tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất muối thông qua việc hỗ trợ từ các doanh nghiệp liên minh. Hiện nay, sở đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn tập trung vận động bà con các địa phương có diện tích muối lớn chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang mô hình kinh tế tập thể, dần thành lập các tổ hợp tác sản xuất muối, đồng thời kiến nghị các cấp, ngành liên quan sớm hỗ trợ vay vốn để diêm dân có điều kiện chuyển đổi kỹ thuật, công nghệ sản xuất.
Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải:Trong tổng diện tích muối ở Ninh Hải có 25% diện tích áp dụng kỹ thuật kết tinh muối trên ô trải bạt, tập trung ở xã Tri Hải. Điểm mới vụ muối năm nay là diêm dân đã làm ra hạt muối trắng đẹp, chất lượng còn hơn cả muối công nghiệp sản xuất trên địa bàn, đơn cử bà Trần Thị Tân, Tổ trưởng Tổ hợp tác muối Hiệp Phát. Từ kết quả trên, có thể thấy sự cần thiết phải nhân rộng mô hình kinh tế tập thể để hướng dẫn diêm dân từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, chuyển sang ứng dụng các kỹ thuật mới. Đặc biệt là vận động xây dựng Hợp tác xã muối, tiến tới xây dựng thương hiệu muối để quảng bá và tiếp cận thị trường, tạo ổn định trong tiêu thụ. Nhưng muốn vậy trước hết phải được ủng hộ của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ ban đầu về vốn và kỹ thuật của ngành chức năng.
Đồng chí Ngô Minh Tự, Chủ tịch UBND xã Tri Hải, Ninh Hải:Xã Tri Hải hiện có 290 hộ làm nghề muối. Mỗi năm, sản lượng muối diêm dân của xã ước đạt 43.000 tấn trên diện tích 210 ha sản xuất thường xuyên. Trong đó có 2 tổ hợp tác sản xuất với quy mô mỗi tổ khoảng 10 hộ/10ha hoạt động dưới hình thức liên kết vốn-đất-đầu ra cho sản phẩm. Thông qua mô hình này, sản lượng, chất lượng và đầu ra cho muối ổn định hơn, người dân thu lãi cao hơn. Vì vậy, địa phương đang khuyến khích các hộ cá thể tham gia tổ hợp tác hoặc thành lập hợp tác xã liên kết sản xuất theo mô hình “kín”. Việc kết nối sản xuất-chế biến- tiêu thụ muối giữa diêm dân và các doanh nghiệp thông qua hợp tác xã có thể giải quyết được nhiều vấn đề trong sản xuất muối, nhất là vốn đầu tư và đầu ra cho muối sạch. Đây là giải pháp cần thiết để nâng cao sản xuất, ổn định đời sống của diêm dân.
Nhóm PV