Theo lý giải của Chính phủ khi trình dự án luật này lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, quy định này nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề luật sư, góp phần phát triển hợp lý số lượng luật sư. Đồng thời tạo điều kiện cho viên chức giảng dạy pháp luật có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên khi thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, đa số ý kiến Ủy ban tư pháp cho rằng quy định sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng nếu cho phép viên chức giảng dạy pháp luật kiêm nhiệm cả nghề luật sư thì sẽ ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy (vì cả hai hoạt động đều phải thực hiện trong giờ hành chính).
Tuy nhiên, thảo luận ở tổ về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng lập luận việc viên chức giảng dạy lập pháp kiêm nhiệm hai vai trò thì không đảm bảo thời gian hành chính là không thuyết phục. Đại biểu này đề nghị cần tạo điều kiện cho viên chức giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư để nâng cao trình độ của mình.
Phân tích cặn kẽ hơn ở điểm này, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho biết ở các nước có hai loại luật sư là luật sư bào chữa và luật sư tư vấn. Muốn làm việc tại cơ quan tố tụng thì người ta chỉ tuyển luật sư bào chữa chứ không tuyển luật sư tư vấn.
Do đó, đại biểu Thảo kiến nghị chỉ nên quy định viên chức giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư tư vấn. Với lý giải và đề xuất này, nhiều đại biểu tại đoàn Hà Nội cũng tỏ ra đồng tình với ông Đinh Xuân Thảo.
Về nội dung quyền của luật sư, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định luật sư được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề, quyền đại diện cho khách hàng trước cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật; quyền của tổ chức luật sư được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho rằng quy định quyền và nghĩa vụ của luật sư chưa tạo ra cơ sở pháp lý để khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động luật sư như: thiếu quy định về xử lý trách nhiệm của luật sư trong thực hiện nghĩa vụ đối với khách hàng; quy định về quyền, nghĩa vụ của luật sư hiện hành chẳng những chưa khẳng định được vị thế của luật sư, mà còn không tạo ra được cơ chế ngăn ngừa những hành vi tiêu cực có thể xảy ra khi luật sư tham gia tố tụng... Các đại biểu khác kiến nghị cần có một điều luật quy định những việc luật sư không được làm như: xúi giục bị can, bị cáo thông cung, phản cung, khai báo gian dối.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) đề nghị nên mở rộng quyền được ủy quyền khiếu nại cho luật sư vì thực tế này là cần thiết.
Tại dự luật sửa đổi, bổ sung này có thêm một quy định mới là người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích được hành nghề luật sư nhằm tạo thêm cơ hội hướng thiện cho những người từng phạm tội. Tuy nhiên quy định này vấp phải sự phản đối của nhiều đại biểu với lý do rằng đã là luật sư thì bản thân phải “trong sạch”.
Các đại biểu cũng đồng tình với quy định mở rộng đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa. Theo đó, ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì “người thân” của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc “người đại diện hợp pháp” của các đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ nội dung khái niệm “người thân” của bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ bao gồm những người nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật.
Nguồn www.chinhphu.vn