Theo đại biểu Bùi Thị An (Viện trưởng Viện TNMT và phát triển cộng đồng), ngành điện thời gian qua dù có làm được một số việc nhưng cũng khiến dân bức xúc nhiều. “Điện muốn cho lúc nào thì cho, muốn cắt lúc nào thì cắt, tiền thu đủ nhưng khi có sự cố gọi đến thì nhiều lý do để xử lý rất chậm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh đặt câu hỏi: "Không biết bao giờ ngành điện hết độc quyền".
Chính sự độc quyền tạo ra tình trạng ấy, thực tế thì gọi là mua và bán, nhưng người dân chỉ có ký và mua, có ai được đến trao đổi đâu. Đó chính là sự bất bình đẳng.
Trong lộ trình đề xuất của Chính phủ, đến năm 2022 mới tính đến khả năng cạnh tranh giá bán lẻ điện, theo đại biểu Bùi Thị An “là quá muộn”. Bà An cho rằng, cần cho sớm cạnh tranh bao nhiêu người dân được nhờ bấy nhiêu. Còn như bây giờ, chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị duy nhất bán lẻ, không có cạnh tranh, do vậy dẫn đến nhiều sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch.
Trong dự thảo Luật điện lực sửa đổi Chính phủ trình Quốc hội, điều 29 về chính sách giá điện quy định: “Giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam), chữ “theo cơ chế thị trường” cần phải được hiểu là cạnh tranh bình đẳng, đồng cấp. Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn chỉ có EVN độc quyền đường dẫn và cung cấp điện mà không hề có đối tác cạnh tranh, vậy nên chữ theo cơ chế thị trường ở đây cũng gây nhiều băn khoăn.
“Cứ mỗi khi trước kỳ họp Quốc hội là EVN lại có động thái muốn tăng giá điện. Tư duy của đơn vị cung cấp điện là giá điện chỉ có tăng chứ không giảm”, đại biểu Hường nói. Do vậy bà Hường đề nghị Luật Điện lực sửa đổi cần phải có quy định rõ giá điện bình quân mà EVN có thể tăng hàng năm, cũng như việc quy định giữa hai lần điều chỉnh giá điện là ba tháng có ngắn quá hay không?
Một trong những điều người dân quan tâm là sự hợp lý trong đầu tư của EVN cũng cần được minh bạch hóa, trong đó cần làm rõ chi phí đầu tư (mức độ hợp lý đến đâu) chứ không chỉ căn cứ vào báo cáo kiểm toán để tính cấu thành giá bán điện.
Cũng cùng ý kiến này, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội) cho rằng, nếu giá cạnh tranh thì người dân được lợi rất nhiều. Theo ông, không thể để EVN độc quyền mãi. Ông bày tỏ băn khoăn về việc người dân kêu rất nhiều nhưng vẫn không thay đổi. Trong các ngành khác như viễn thông, xăng dầu đều đã có cạnh tranh, thì ngành điện vẫn chỉ có EVN được đầu tư kinh doanh và bán điện. Trong khi đó, giai đoạn vừa rồi, EVN thông báo lỗ hằng năm lên đến hàng chục tỷ đồng, cơ sở hạ tầng ngành điện không đáp ứng yêu cầu, nhưng vẫn đầu tư vào các lĩnh vực khác và lương cán bộ bình quân rất cao so với mặt bằng xã hội. Chừng nào còn độc quyền thì vẫn sẽ có những tình trạng ấy. Ông Khiết đề nghị Nhà nước sớm điều chỉnh để giá điện cạnh tranh thì mới khuyến khích các thành phần đầu tư vào xây dựng phát triển điện lực.
Mong muốn tiến tới xóa bỏ độc quyền ngành điện, nhưng đại biểu Châu Thị Thu Nga (Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) cũng nhận định rằng, từ thực tế đến mong muốn là một khoảng cách khá xa. Theo lộ trình, đến năm 2015 mới có bán buôn cạnh tranh (tức là nhiều người mua chứ không phải nhiều người bán), và cho đến sau 2020 mới tính đến giá bán lẻ cạnh tranh là quá muộn.
Thực tế thì thời điểm thông qua luật này, giá bán điện vẫn phải quy định như trước, nghĩa là EVN vẫn sẽ độc quyền một thời gian dài. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể sự điều tiết của Nhà nước thể hiện trong luật. Chẳng hạn, Nhà nước phải quản lý sự đầu tư của EVN, quản lý chặt chẽ việc minh bạch giá điện, sự hao hụt điện năng. “Chúng ta phải làm sao để dần dần thay đổi tính độc quyền của EVN- vốn đã thể hiện quá rõ trong thực tế và gây bức xúc đối với người dân”.
Cũng về vấn đề độc quyền, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội) cho rằng, với những điều khoản sửa đổi trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi vừa được trình Quốc hội, thì chỉ thấy mới tạo thuận lợi cho ngành điện lực và bà đặt ra câu hỏi: “Không biết bao giờ thay đổi được độc quyền?”.
Chúng ta đang phải trả giá vì phát triển thủy điện
Cũng trong phiên họp tổ sáng nay, các đại biểu đề cập đến những bất cập của việc phát triển thủy điện tràn lan hiện nay. Theo đại biểu Trịnh Thế Khiết, hai nguồn điện chính của chúng ta là nhiệt điện và thủy điện. Nhưng những lúc cao điểm vẫn phải mua điện của nước ngoài, nên trong quy hoạch Nhà nước phải tính đến kết hợp hài hòa nguồn điện năng.
Nhiều nơi, người dân ở gần nhà máy thủy điện không có nước để trồng trọt, vì mục đích chính của nhà đầu tư thủy điện là để kinh doanh, không tính đến lợi ích của người dân. “Nguồn nước là tài nguyên quốc gia, nhưng lợi ích lại thuộc về một số nhóm, như vậy là không ổn”, ông Khiết nói.
Cùng những bức xúc về thủy điện, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị) cho rằng, chúng ta đang phải trả giá vì việc xã hội hóa bột phát. “Đã có thời kỳ nhà nhà làm xi măng, còn giờ thì nhà nhà làm thủy điện. Các huyện tỉnh miền núi phía bắc, miền trung nơi nào cũng có dự án thủy điện, mỗi nơi một nhà máy”, ông Quang nói.
Và hậu quả là lũ lụt, lũ quét, hạn hán. Đến ngày cần tưới nước thì ông chủ điện giữ nước cho tua bin của mình khiến người dân thiếu nước tưới. “Chúng ta đang phải trả giá vì thủy điện, trong 10-20 năm nữa vẫn phải trả giá, vì đất nước ta là nước nông nghiệp”.
Ngày 20-6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.
Nguồn Báo Nhân Dân Điện tử