Về chính sách ưu đãi thuế, đại biểu Trần Thanh Hải, Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có sự phân biệt đối với các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, vùng, miền, địa bàn, khu vực đặc thù... của từng hợp tác xã, không nên quy định chính sách ưu đãi chung đối với tất cả các loại hình hợp tác xã và chỉ quy định riêng đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại biểu Trần Du Lịch phân tích, vì hợp tác xã là một tập hợp nhóm những người yếu thế liên kết lại, hợp tác với nhau cùng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm vì vậy trách nhiệm của Nhà nước là phải hỗ trợ cho họ bớt yếu thế, đặc biệt đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Và việc quy định chính sách ưu đãi cần phải giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Đồng thời, nên bổ sung chính sách thuế khuyến khích những doanh nghiệp liên kết, hợp tác kinh doanh lâu dài với hợp tác xã.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ ngày 6/6. Ảnh: VA
Một số ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, tự chủ, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) đề nghị không nên quy định số lượng tham gia thành lập hợp tác xã, nhất là đối với loại hình hợp tác xã nông nghiệp. Đại biểu cho rằng nên quy định số lượng tối đa các hộ gia đình và pháp nhân được phép tham gia hợp tác xã để tránh lợi dụng.
Về quy định góp vốn của thành viên hợp tác xã, có 2 loại ý kiến khác nhau. Một loại ý kiến cho rằng vốn góp tối đa của thành viên không quá 20% vốn điều lệ hợp tác xã vì như vậy để nhằm tránh trường hợp thành viên có mức vốn góp cao sẽ được chia nhiều lợi nhuận và tạo điều kiện “hút” thêm được nhiều thành viên tham gia hợp tác xã.
Nhưng ý kiến khác cho rằng không nên quy định mức vốn góp tối đa để phát huy khả năng huy động vốn, quan trọng là bình đẳng không phụ thuộc vốn góp, đây chính là sự khác biệt của hợp tác xã và thể hiện mục tiêu hợp tác xã phục vụ thành viên.
Bản chất của hợp tác xã thể hiện ở mục đích hoạt động vì lợi ích thành viên và quản lý theo nguyên tắc đối nhân, khác với doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu là tối đa lợi nhuận và quản lý theo nguyên tắc đối vốn. Nhiều ý kiến cho rằng sau khi đã trích lập các quỹ, việc phân phối thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải ưu tiên dựa trên mức độ đóng góp của từng thành viên thông qua việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thành viên nào sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì lợi ích của thành viên đó cũng tăng theo.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam