Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) của tỉnh năm 2015 đạt 34,2 triệu đồng/người và năm 2020 đạt 72,2 triệu đồng/người.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 
Một góc thành phố Pleiku

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12,4%.

Đến 2015 quy mô dân số của tỉnh khoảng 1,417 triệu người và vào năm 2020 khoảng 1,532 triệu người; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn hiện nay) bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 3 - 4%, đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.

Chú trọng phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su...

Theo Quy hoạch, Gia Lai sẽ phát triển vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung để đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác có tỷ lệ cơ giới hóa cao từ khâu làm đất đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, hệ sinh thái,...) của từng vùng và nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chú trọng phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn quả; bảm đảm an ninh lương thực. Trong đó, cây cao su khoảng 130.000 ha, cà phê khoảng 80.000 ha, điều khoảng 27.000 ha,...

Về chăn nuôi, Gia Lai sẽ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với kiểm soát phòng tránh, an toàn dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2020 đàn trâu bò khoảng 0,52 triệu con, đàn lợn khoảng 0,55 triệu con, đàn gia cầm khoảng 2,2 triệu con.

Đến 2020, tỉnh Gia Lai có 1 thành phố là đô thị loại 1 thuộc tỉnh

Quyết định nêu rõ, xây dựng thành phố Pleiku thành đô thị trung tâm của tỉnh, đồng thời là trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên; phát triển mạng lưới đô thị vệ tinh gồm thị trấn Chư Sê là đô thị loại IV, trung tâm vùng phía Tây Nam với các đô thị hỗ trợ bao gồm các trung tâm huyện, xã của các huyện Chư Păh, Đắc Đoa, Chư Sê; đô thị Đông Tây gồm thị xã An Khê (đô thị loại III), cửa khẩu Đức Cơ và thị trấn Chư Ty;...

Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Gia Lai có 1 thành phố là đô thị loại 1 thuộc tỉnh, 3 thị xã và 20 thị trấn là trung tâm huyện lỵ với dân số đô thị khoảng 635 nghìn người, chiếm khoảng 41,5% tổng dân số của tỉnh.

Nhu cầu vốn đầu tư thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 72 nghìn tỷ đồng (giá cố định), trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 25 nghìn tỷ đồng và khoảng 47 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn www.chinhphu.vn