Đô thị miền sông nước

Cần Thơ với vị thế là thành phố cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mê Công, hiện là đô thị loại 1, giữ vai trò động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trải dài 65km bên bờ sông Mê Công huyền thoại, Cần Thơ được ví như “đô thị miền sông nước” với hệ thống sông ngòi chằng chịt, các cù lao, vườn cây ăn trái bạt ngàn, đồng ruộng mênh mông, phù hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước.

Thế mạnh Tây Đô

Địa danh Cần Thơ có xuất xứ từ cái tên “Cầm thi giang” (sông, thơ, đàn) cho thấy đây là vùng văn hóa sông nước. Nét độc đáo tự nhiên và kiến trúc đô thị của Cần Thơ là mạng lưới kênh rạch. Kênh rạch cũng là “đường phố”, mang vẻ đẹp cho một đô thị lớn được mệnh danh Tây Đô.

Ông Trương Văn Ngon, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Trong tổng số lượng khách đến Cần Thơ mỗi năm, có tới 2/3 số khách chọn tour du lịch trên sông. Điểm nhấn của tour là tham quan các chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, một loại hình sinh hoạt đặc trưng của miền sông nước”.

Thời gian tới, du lịch của TP Cần Thơ định hướng phát triển các tuyến tham quan cồn dọc sông Hậu (như cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc), khu đô thị miệt vườn Phong Điền, khai thác chợ nổi Cái Răng, Phong Điền hay tuyến du lịch đường thủy quốc tế sang Campuchia. Đây là những tour du lịch sinh thái hấp dẫn mang đậm nét đặc trưng miệt vườn, sông nước.

Vẻ đẹp quyến rũ, mê hoặc của Cần Thơ đối với khách chính là cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh, cảnh vật và con người vùng sông nước tạo nên cái gọi là nền “Văn minh kinh xáng”, theo lời nhà văn Sơn Nam, đã có hơn 100 năm qua.

 Du lịch miền sông nước thu hút nhiều du khách.

Theo tour sông nước Cần Thơ, điểm đầu tiên du khách phải ghé là chợ nổi Cái Răng, cách trung tâm TP Cần Thơ 5km. Chợ nổi Cái Răng họp trên nhánh sông Hậu, hội tụ sản vật từ mọi miền quê và cả những nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo. Chợ đông người nhất từ 6 giờ đến 8 giờ mỗi sáng với hàng trăm ghe, xuồng lớn nhỏ đậu san sát nhau. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe.

Không chỉ chợ nổi Cái Răng, từ bất kỳ bến sông nào của Cần Thơ, du khách cũng có thể tới được nơi cần đến: những khu vườn cây ăn trái, các cồn trên sông Hậu... Nhiều kênh, rạch đã trở nên thân quen với du khách, như: rạch Ngỗng, rạch Cái Sơn, rạch Chanh, rạch Cam... Mỗi con rạch, dòng kênh là một vùng đất lạ với nét sinh thái độc đáo hiếm thấy.

Hầu hết những khu vườn du lịch Mỹ Khánh, Giáo Dương, Phước Thới, Phú An… đều nằm cạnh những kênh, rạch. Nhà vườn Cần Thơ từ xa xưa, khi lập vườn đều chọn cạnh những dòng kênh để lấy nước phù sa tưới cây và vận chuyển hoa trái đến các phiên chợ nổi.

Kết nối khu vực

Có lợi thế nằm ở trung tâm ĐBSCL, trên các trục tuyến giao thông thủy bộ quan trọng nhất của tiểu vùng Tây sông Hậu, là điểm giao lưu kinh tế lớn trong tứ giác năng động: Cần Thơ - Cà Mau - An Giang - Kiên Giang nên giao thông ở Cần Thơ rất thuận lợi với tất cả loại hình: hàng không, đường bộ, đường thủy đến các địa phương trong khu vực và xa hơn.

Hiện nay cơ sở hạ tầng du lịch ở Cần Thơ khá phát triển với 17 khu du lịch và khu vui chơi giải trí, gần 200 khách sạn và hàng chục ngàn nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ để du lịch Cần Thơ níu chân du khách.

Ông Trần Kim Đính, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin lữ hành Mê Kông, cho biết: Ngoại trừ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) và Phú Quốc (Kiên Giang), phần lớn sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành khác trong khu vực chưa thể độc lập để tạo lực hút du khách. Khách du lịch không thể bay từ Hà Nội vào Cần Thơ chỉ để tham quan sông nước có một ngày rồi quay về.

Do đó, du lịch Cần Thơ nhất thiết phải liên kết hợp tác với các tỉnh để hỗ trợ nhau cùng phát huy tiềm năng và lợi thế nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của từng địa phương, tạo sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng mang tính toàn vùng.

 Thành phố Cần Thơ bên bờ sông Hậu. Ảnh: THÁI BẰNG

Thời gian qua ngành du lịch Cần Thơ đã ký kết hợp tác phát triển với 10 tỉnh trong khu vực ĐBSCL và TPHCM, TP Hà Nội, tạo ra sự chuyển biến tích cực. Điều này tất yếu đóng vai trò quan trọng của các thành phố lớn trong việc liên kết phát triển du lịch, đặc biệt là cung cấp nguồn khách làm đầu mối cho các tour lữ hành. Bước đầu việc hợp tác đã phát huy tác dụng rõ nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực và lữ hành.

Cần Thơ đang đẩy mạnh liên kết với An Giang - Kiên Giang - Cà Mau. Đây là 4 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL. Thành công bước đầu là thống nhất việc xác định sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch sông nước (Cần Thơ), du lịch tâm linh (An Giang), du lịch biển đảo (Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Giang), du lịch khám phá (Đất Mũi, U Minh - Cà Mau). Hiện nay TP Cần Thơ kết nối tour đến các địa phương xung quanh có loại hình du lịch khác biệt để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thêm thời gian lưu trú của du khách.

Chẳng hạn như việc kết hợp du lịch sông nước đặc thù của Cần Thơ với loại hình du lịch biển đảo của Kiên Giang, hay du lịch tâm linh của An Giang, hoặc du lịch khám phá của Cà Mau. Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh, thành này rất thiết thực và phù hợp theo yêu cầu thực tiễn; từ đó các địa phương khai thác tốt lợi thế và tiềm năng du lịch đặc trưng của mình, đồng thời dựa vào thế mạnh của nhau để cùng phát triển và góp phần đổi mới diện mạo du lịch cả khu vực đồng bằng.

Cần Thơ hiện nay và tương lai trở thành điểm đến của du lịch sông nước miệt vườn Nam bộ và là điểm dừng chân của phần lớn các đoàn khách du lịch trước khi đi chùa Dơi - Sóc Trăng, vườn chim Bạc Liêu, Đất Mũi - Cà Mau, U Minh, Hòn Đất, Hà Tiên, Phú Quốc...

Nguồn Báo SGGP Online