Thành phố Cần Thơ: Dồn sức thực hiện "tam nông"

Ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (viết tắt là NQ26). Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết này, nông nghiệp, nông dân và nông thôn (“tam nông”) trên địa bàn TP Cần Thơ đạt nhiều kết quả khả quan. Phát huy những thành quả đạt được, đồng thời từng bước gỡ những “nút thắt”, TP Cần Thơ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển “tam nông” trong thời gian tới,...

KHỞI SẮC “TAM NÔNG”

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, thực hiện NQ26, thành phố đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng tập trung chuyên canh phù hợp với từng địa bàn, với các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ, từng bước cải thiện đời sống người dân nông thôn. Lúa là cây trồng có lợi thế của TP Cần Thơ. Đến năm 2011, tuy diện tích đất canh tác lúa trên địa bàn thành phố bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng hiệu quả sử dụng đất canh tác lúa được nâng cao. Năng suất lúa từ 5,48 tấn/ha (năm 2008) tăng lên 5,74 tấn (năm 2011); sản lượng lúa năm 2011 tăng 7,6% so với năm 2008. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao tăng từ 78% (năm 2008) lên trên 80% (năm 2011) nên chất lượng và giá trị hạt lúa được nâng cao. Nhờ đó góp phần tăng thu nhập của người trồng lúa trên địa bàn thành phố với bình quân trên 115 triệu đồng/ha/năm (từ canh tác 3 vụ lúa), trong đó lợi nhuận bình quân đạt khoảng 58 triệu đồng/ha/năm.

Với định hướng phát triển sản xuất hàng hóa theo vùng tập trung quy mô lớn, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng các HTX rau an toàn, xây dựng các vườn cây ăn trái kiểu mẫu kết hợp phát triển du lịch sinh thái; triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn Global GAP, SQF, BMQ,... nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu... Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất và cải thiện đời sống người dân nông thôn cũng được các cấp, các ngành hữu quan đặc biệt quan tâm. Từ năm 2009-2011, tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đạt 514,5 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư vào thủy lợi đạt 180 tỉ đồng; tổng kinh phí thực hiện công trình giao thông nông thôn đạt 331 tỉ đồng... Đến nay, 100% các xã, ấp trên địa bàn thành phố có điện lưới quốc gia (tỷ lệ hộ dân có điện ở nông thôn đạt 98,5%); 100 xã đã phủ sóng di động, có cáp quang đến trung tâm; 31/36 xã có đường ô tô đến trung tâm xã... Đến năm 2011, thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn đạt 25 triệu đồng/năm, tăng 18% so với năm 2008...

CHƯA ĐỒNG BỘ

Tiếp tục thực hiện NQ26, giai đoạn 2011-2015, TP Cần Thơ phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng bình quân 4,5-5%, giá trị tăng thêm tăng bình quân 2,5-3%; hoàn thành cơ bản Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xây dựng nông thôn mới...

Để thực hiện các mục tiêu này, tại Hội nghị sơ kết NQ26, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện NQ26 trong thời gian tới. Đó là: Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu kinh tế – xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tăng cường sự lãnh đạo của đảng, quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn.

Đồng chí Trần Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thực hiện NQ26, nhìn chung, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện phù hợp, từng bước khai thác đúng tiềm năng, lợi thế về đất đai, thời tiết, thị trường tiêu thụ. Từ đó tác động tích cực đến lợi nhuận của nông dân trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người nông dân.

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Văn Tươi, cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện còn nhiều thấp kém. Trong đó, hệ thống thủy lợi cơ bản điều tiết lũ và tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp nhưng chưa thật vững chắc, cần tiếp tục đầu tư để đạt chuẩn kiên cố hóa. Phần lớn các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc thực hiện cánh đồng mẫu chỉ mới bước đầu hình thành, chưa mở rộng phát triển ở các xã. Vì thế, ngành nông nghiệp cần quan tâm chỉ đạo phát triển tốt hơn. Ngoài ra, điện khí hóa nông thôn chưa phục vụ tốt yêu cầu sản xuất. Mạng lưới điện nông thôn chỉ phục vụ cho việc thắp sáng là chủ yếu. Bởi nếu đưa nguồn điện hiện có phục vụ việc sản xuất nông nghiệp thì công suất chưa đảm bảo, nhất là khi người nông dân dùng điện phục vụ cho bơm tưới đồng loạt. Vì vậy, ngành điện cần có kế hoạch cải tạo và nâng cấp lưới điện nông thôn vừa đáp ứng nhu cầu thắp sáng và sản xuất.

Nhiều địa phương khác cũng còn nhiều khó khăn trong giải bài toán tìm nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng chí Huỳnh Ngọc Thạch, Bí thư Huyện ủy Thới Lai, cho biết: “Thới Lai hiện còn khoảng 50 cây cầu, 130km đường giao thông nông thôn cần kiên cố hóa, bê tông hóa. Hiện nay hệ thống kênh tạo nguồn trên địa bàn huyện bị bồi lắng cần phải tiến hành nạo vét, còn hơn 10km đê bao thủy lợi chưa được khép kín... Ngoài ra, Thới Lai cũng có nhu cầu xây dựng 5 trường mầm non, 7 trường tiểu học ở một số xã... Có thể nói, tổng nguồn vốn để đáp ứng các nhu cầu bức thiết vừa nêu là rất lớn, ngân sách địa phương khó có thể thực hiện trong 1 vài năm tiếp theo”.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, kết quả thực hiện NQ26 khá khả quan nhưng chưa đồng bộ. Ngoài hệ thống giao thông, thủy lợi nông thôn còn nhiều yếu kém, xuống cấp, thì hạ tầng y tế giáo dục,... vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân nông thôn có tăng nhưng chưa ổn định, thiếu bền vững nên đời sống còn nhiều khó khăn. Chất lượng hàng hóa nông sản chưa cao, chưa đồng bộ; chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể còn hạn chế, làm ăn manh mún, nhỏ lẻ còn phổ biến... cũng là những “nút thắt” của việc thực hiện NQ26 trên địa bàn TP Cần Thơ.

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CÙNG VÀO CUỘC

Đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến những yếu kém, kết quả chưa đồng bộ trong thực hiện NQ26? Tại Hội nghị sơ kết NQ26, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, cho rằng: Một phần do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đúng, chưa đầy đủ về định hướng phát triển “tam nông” nên cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa sâu sát dẫn đến triển khai thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách đã ban hành còn lúng túng do thiếu các văn bản hướng dẫn của các ngành hữu quan. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính và con người phục vụ phát triển “tam nông” còn hạn chế, bất cập; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy được quan tâm nhiều hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; việc thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân chưa cao.

Trước thực trạng trên, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo: Các ngành, các cấp hữu quan cần tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển mạng lưới giao thông nông thôn và hệ thống kinh thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, giao lưu hàng hóa,... gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục xây dựng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết “4 nhà”... Các sở, ngành hữu quan tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục, phát triển mạng lưới y tế; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề... Thời gian tới, TP Cần Thơ tập trung cả hệ thống chính trị thực hiện các mục tiêu phát triển “tam nông” gắn với xây dựng nông thôn mới; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là vấn đề chiến lược để xây dựng và phát triển thành phố thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguồn Báo điện tử Cần Thơ