Ngày nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam có hiện tượng già hóa về dân số. Một trong những lĩnh vực quan trọng được quan tâm chú ý trong chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi hiện nay là chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ðặc điểm chung về tâm thần người cao tuổi
- Do sự thoái hóa, sự chết tế bào thần kinh theo chương trình... dẫn đến giảm trí nhớ, giảm phản xạ thích nghi, tăng nhạy cảm với stress tự nhiên và xã hội, dung nạp thuốc kém.
Ảnh minh họa
- Tâm lí dễ bi quan mủi lòng, dễ tự ái, ý nghĩ quan niệm cố định khó thay đổi...
- Rối loạn chu kì thức ngủ: ngủ ít, khó ngủ, đảo lộn giấc ngủ, ngủ nông hay mộng mị hay ngủ nhiều. Tình trạng này giống như chiếc đồng hồ đã cũ chạy không còn chính xác lúc chậm lúc nhanh...
Trong các rối loạn tâm thần hay gặp ở người cao tuổi thì trầm cảm là một vấn đề thời sự bởi tính phổ biến và hậu quả ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống và thường dẫn đến tự sát. Theo thống kê của Mỹ đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người cao tuổi.
Các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở người cao tuổi
- Trầm cảm do stress như: bạn đời chết, cô đơn, xung đột nặng nề trong gia đình không giải quyết được, sự không hòa hợp giữa các thế hệ chung sống dưới một mái nhà, nhà ở chật chội, vật chất quá khó khăn, thay đổi nơi ở, bị cách li…
- Trầm cảm có thể xảy ra sau các bệnh cơ thể nặng như: tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, đái tháo đường…(một điểm cần chú ý ở đây là trầm cảm không chỉ xảy ra với người cao tuổi mà xảy ra cho tất cả các thành viên khác trong gia đình, nhất là khi bệnh xảy ra đột ngột gây lo lắng hoang mang, đảo lộn sinh hoạt trong gia đình…).
- Trầm cảm thứ phát do lạm dụng nghiện bia rượu…
- Trầm cảm do tác dụng phụ của các thuốc điều trị các bệnh nội khoa khác, thuốc điều trị bệnh tim mạch, tăng huyết áp…
- Trầm cảm trong các bệnh nội sinh có từ trước như: trầm cảm tái diễn, trầm cảm trong bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm thoái triển… Phát sinh theo chu kì hay tăng lên khi gặp stress.
Các biểu hiện của trầm cảm ở người cao tuổi
Cảm xúc: Vẻ mặt buồn kém vui tươi, các nếp nhăn ở mũi má hằn sâu trông già xọm so với tuổi, ánh mắt u tối thảng thốt lo lắng, ngồi trầm tư suy nghĩ, cảm xúc dễ mủi lòng khóc lóc than vãn…nhưng đôi khi giận dữ bùng nổ nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng ủ rũ nhanh chóng. Cảm xúc lo âu thường đi kèm biểu hiện đòi hỏi cầu cứu kể lể than vãn có khi lên cơn hoảng sợ, cơn khó thở, tim đập nhanh, tăng huyết áp, muốn có người thân túc trực bên cạnh…
Tư duy: suy nghĩ chậm chạp, nội dung đơn điệu hay nghiền ngẫm các chuyện không vui trong quá khứ, trong hiện tại, có những ý nghĩ bi quan như sợ chết, sợ bệnh nặng không chữa khỏi, cảm thấy giảm giá trị của bản thân, không xứng đáng được sống, được ăn, tự cho mình là gánh nặng cho con cháu, sợ đói, sợ khổ, sợ tai họa, có ý tưởng chết chóc tự sát, có khi nghi ngờ kết quả khám bệnh đòi đi khám lại nhiều lần…
Hành vi: Hoạt động chậm chạp, nhanh mệt khi gắng sức, chân đi lệt sệt, lưng còng xuống, không quan tâm đến các thích thú hàng ngày như xem tivi sách báo, có khi nằm nhiều, ăn ít, ăn không ngon, không quan tâm đến vệ sinh cá nhân, săn sóc cơ thể, ăn mặc lôi thôi, ngại tắm rửa, sợ lạnh, có khi có biểu hiện trơ ì mặc kệ tất cả…
Ngoài các biểu hiện trên còn thấy các biểu hiện khác của trầm cảm ở người cao tuổi như cơ thể gầy sút nhanh do chán ăn dinh dưỡng kém. Các rối loạn giấc ngủ thường xảy ra với các biểu hiện như ngủ ít, ngủ nông hay mộng mị, mơ thấy người nhà như bố mẹ, ông bà bạn bè đã chết hiện về như gọi mình đi nên luôn có ám ảnh về cái chết, lo sợ chết mà không ai biết nên muốn có người thân ở bên cạnh.
Rối loạn giấc ngủ có thể hoàn toàn trắng đêm kèm theo bồn chồn lo âu khó chịu đến mức kích động đi ra đi vào đứng ngồi không yên… Một số người hay kêu đau đầu mỏi lưng, đau ngực đau khớp, rát lưỡi, táo bón dai dẳng, hay có các biểu hiện ậm ạch khó tiêu mơ hồ khó giải thích khi dùng các thuốc giảm đau thông thường và các thuốc chữa rối loạn tiêu hóa không đỡ nhưng khi dùng thuốc chống trầm cảm thì các triệu chứng giảm đi rõ rệt.
Một số bệnh nhân có biểu hiện hay quên, nhầm lẫn các đồ vật, các biểu hiện này thường xảy ra đột ngột giống như mất trí rất dễ chẩn đoán nhầm, dùng các thuốc cải thiện trí nhớ không đỡ chỉ khi dùng thuốc chống trầm cảm thì bệnh cải thiện nhanh. Một số lại có các biểu hiện như cho đi các đồ vật có giá trị, hay làm lại chúc thư, hay có những cuộc đi thăm viếng họ hàng hay bạn bè thân thích…như thể sắp đi xa…
Thoái hóa các tế bào thần kinh gây bệnh trầm cảm ở người cao tuổi.
Phòng bệnh và điều trị
- Cần phát hiện sớm (do bản thân bệnh nhân, do người thân…), không nên coi thường những phàn nàn của người cao tuổi, các rối loạn giấc ngủ…
- Thận trọng khi dùng thuốc chống trầm cảm ở người cao tuổi, do chức năng gan thận kém nên dễ bị tác dụng phụ hay ngộ độc .
- Người cao tuổi thường bị nhiều bệnh nên phải dùng nhiều thuốc nên tương tác thuốc rất phức tạp, đôi khi làm giảm tác dụng, đôi khi làm tình trạng trầm cảm nặng thêm. Đặc biệt tránh sử dụng rượu bia trong khi điều trị trầm cảm.
- Do người cao tuổi chức năng nhận thức suy giảm kết hợp với sự kém tinh tường các giác quan nên cách dùng thuốc phải được hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện cho bệnh nhân đồng thời dặn người nhà theo dõi giám sát.
- Cần thực hiện chăm sóc toàn diện ngoài sử dụng thuốc bệnh nhân cần được thường xuyên nâng đỡ về tâm lí, giải quyết tốt các xung đột vướng mắc, tránh gây cảm giác cô đơn hay bị bỏ rơi…
- Chế độ ăn uống hợp lí ngon miệng, dễ tiêu, đủ chất, không cần kiêng khem quá mức, đặc biệt tạo tâm lí thoải mái trong bữa ăn.
- Có kế hoạch và mô hình chăm sóc sinh hoạt kết hợp vui chơi giải trí phù hợp với hoàn cảnh ví dụ như các nhà dưỡng lão dưỡng đường tập chung những người cùng cảnh…
- Cuối cùng bản thân người cao tuổi cũng cần biết chấp nhận hiểu qui luật tuổi già tránh các hoạt động thái quá, tăng cường các hoạt động nhẹ nhàng, tránh thụ động ngồi không, biết tìm niềm vui trong các chuyện đơn giản…
Nguồn suckhoedoisong.vn