Khi nhà nông táo bạo chuyển hướng làm ăn

Ở xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, anh Vũ Hồng Sơn đã “táo bạo” thay đổi cách làm ăn, biến vùng đất trũng bạc màu thành trang trại có tổng thu nhập hàng tỷ đồng, mở hướng làm giàu mới cho nhiều nông dân nghèo. Anh đã trở thành đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Dám mạo hiểm

Một ngày mới với anh Vũ Hồng Sơn bao giờ cũng bắt đầu từ hửng đông bằng một “bản nhạc chào buổi sáng” rộn rã tiếng vịt kêu, xen lẫn tiếng eng éc chói tai của đàn lợn hàng trăm con đang kỳ chăm bẵm. Công việc đầu tiên “chào ngày mới” của anh là đi thu nhặt hàng nghìn quả trứng vịt - sản phẩm của hơn 5.000 con vịt. Tiếp theo đó, anh lại tất bật chăm sóc đàn lợn, cho cá ăn… một cách thuần thục từ rạng đông đến tối mịt.

Anh Vũ Hồng Sơn bên trang trại - Ảnh Chinhphu.vn

Năm 1982, anh phục viên trở về quê hương. Ngày đầu hai vợ chồng anh lập nghiệp, tài sản lớn nhất chỉ có vài sào ruộng trong tay. Bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi nơi đồng ruộng của anh, cái đói, cái nghèo vẫn không chịu buông tha. Cuộc sống nghèo khó đã thôi thúc ý chí làm giàu trong anh.

Anh đã có một bước đi “liều lĩnh” và “mới mẻ” để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1994, anh xin Ủy ban xã Tri Trung đấu thầu hơn 2ha đất trũng chỉ cấy được một vụ lúa, giá trị kinh tế thấp. Đầu tư làm trang trại tổng hợp là đối tượng để anh khởi nghiệp làm giàu.

“Hồi ấy, làm trang trại là khái niệm mới lạ ở vùng đất thuần nông này. Nhiều người trong làng bảo, tôi làm ăn không khéo vỡ nợ, rồi bán đất, bán nhà trả nợ. Nhưng mình không dám mạo hiểm thì không thể làm giàu”, anh Sơn nói.

Anh đào ao thả cá kết hợp với trồng lúa. Thế nhưng cách làm này không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Tính ra chỉ hòa vốn, không có lãi.

Anh nhận thấy phải thay đổi cách làm. Anh khăn gói lặn lội tìm đến những trang trại nổi tiếng để học hỏi cách thức tổ chức sản xuất, kiến thức chăn nuôi. Bàn chân của anh đã in dấu nhiều tỉnh phía Bắc. Những chuyến đi đó đã mang lại cho anh nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực.

Về nhà, anh chuyển hướng làm ăn. Anh xây dựng trang trại một cách bài bản, hiện đại. Bên trên anh thiết kế làm các dãy nhà nuôi lợn và vịt. Bên dưới anh đào ao thả cá kết hợp trồng cây ăn quả.

Nhờ cách làm ăn mới mà ngay năm đầu tiên anh đã thu lãi cả trăm triệu đồng. Anh tiếp tục tăng số lượng đàn vịt, mở rộng khu nhà nuôi lợn.

Đang trên đà làm ăn phát đạt, anh gặp phải thất bại cay đắng. Năm 2002, bệnh dịch hoành hành làm hơn 150 con lợn và hơn 3.000 con vịt siêu đẻ bị chết. Năm đó, anh thiệt hại gần 500 triệu đồng.

Không nản lòng, anh tiếp tục đầu tư vào trang trại. Đẩy mạnh công tác phòng trừ dịch bệnh. Trang trại của anh ngày càng phát triển. Anh Sơn cho biết, bình quân mỗi năm anh thu 900 triệu đồng từ nuôi lợn, hơn 1 tỷ đồng nuôi thủy cầm và hơn 500 triệu đồng bán cá. Riêng năm 2011, trừ mọi chi phí anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng.

Mở hướng làm giàu cho nhà nông

Giờ đây về xã Tri Trung những trang trại có giá trị bạc tỷ như anh Sơn đã không còn hiếm. Trước đây, ở xã thuần nông này, người dân chỉ quen với cây lúa, củ khoai, lấm lem bùn đất.

Kể từ ngày anh Sơn “táo bạo” phát triển kinh tế từ trang trại đã mở ra một hướng làm giàu mới cho bà con nông dân trong xã. Cả làng, cả xã đua nhau chuyển đổi vùng đất trũng chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh sang làm trang trại tổng hợp. Không ít triệu phú, thậm chí là tỷ phú từ trang trại xuất hiện.

Thấy bà con mạnh dạn chuyển hướng làm ăn, anh Sơn không giấu nghề mà còn tận tình chỉ bảo, hướng dân kỹ thuật chăn nuôi và cách thức xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Từng là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nên anh hiểu được sự vất vả, cực nhọc của những người cùng hoàn cảnh. Bởi vậy, anh luôn dồn tâm huyết với mong muốn ngày càng có nhiều nhà nông giàu lên từ kinh tế trang trại.

“Thấy tôi làm ăn phát đạt nhờ con lợn, đàn vịt nên nhiều người trong xã đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa xây dựng trang trại. Tôi thấy phấn khởi vì đã giúp được nhiều nông dân thoát nghèo, trở thành triệu phú ”, anh Sơn thổ lộ.

Tính đến nay, anh đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 50 gia đình trong xã phát triển kinh tế trang trại. Ví như anh Nguyễn Văn Công, Lương Hữu Cân, Nghiêm Văn Bóng… đã phấtt lên từ mô hình trang trại của anh Sơn.

Với những thành tích trên, năm 2010, anh Sơn đã được chọn là một trong những đại biểu của Thành phố Hà Nội tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Nguồn www.chinhphu.vn