Nông nghiệp Bình Dương đang dần chuyển sang nông nghiệp đô thị; nông dân và con em nông dân muốn có một việc làm ổn định, được đào tạo nghề, tiếp thu khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, vì vậy công tác đào tạo nghề cho LĐNT tuy còn khá mới mẻ nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cụ thể năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ hỗ trợ nông dân của tỉnh đã mở 15 lớp dạy nghề ngắn hạn với gần 900 hội viên nông dân tham gia lớp học. Trong đó có 8 lớp kỹ thuật khai thác mủ cao su và các lớp phù hợp với nông nghiệp đô thị như lớp sinh vật cảnh, kỹ thuật trồng các loại nấm và rau mầm, thiết kế sân vườn...
Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn xây dựng những mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp
Đặc biệt, trung tâm phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn trồng rau quả an toàn bằng phương pháp thủy canh cho trên 150 nông dân ở huyện Bến Cát, Tân Uyên và TX.Dĩ An, Thuận An. Ngoài ra, trung tâm còn ký hợp tác thỏa thuận với trường Trung học Nông lâm tỉnh, Hội làm vườn và Trang trại quận Thủ Đức (TP.HCM), Hội Cá cảnh tỉnh... dạy nghề theo nhu cầu đăng ký của hội viên nông dân.
Hiệu quả của các lớp dạy nghề khá rõ. Nhiều LĐNT đã tìm được việc làm phù hợp, giải quyết được tình trạng thất nghiệp tại địa phương. Nhiều người sau khi học nghề đã mạnh dạn đứng ra xây dựng mô hình cho riêng mình. Một số mô hình trồng hoa lan, rau mầm, trồng nấm... được áp dụng đem lại hiệu quả cao trong thời gian gần đây.
Ông Trương Thành Quang, Giám đốc trung tâm cho biết: “Thời gian qua, trung tâm đã tích cực tuyên truyền chính sách dạy nghề, tuyển sinh dạy nghề, rà soát lại các đối tượng tham gia học nghề ở khu vực nông thôn, nhất là người dân ở khu vực phát triển công nghiệp nhằm mở lớp đúng với định hướng chung của tỉnh. Tuy nhiên, các lớp đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân, nhất là các lớp dạy nghề thường rất ngắn hạn, chỉ dao động khoảng 10 ngày/lớp nên nhiều nông dân chưa nắm bắt được”.
Vì vậy năm 2012, công tác dạy nghề cho LĐNT sẽ tập trung đa dạng các hình thức dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề lưu động, dạy nghề tại chỗ phù hợp với điều kiện sinh hoạt lao động của nông dân. Cụ thể sẽ tổ chức 24 lớp dạy nghề với khoảng 1.000 học viên; trong đó tập trung cho các lĩnh vực nông nghiệp như khai thác mủ cao su, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, kỹ thuật trồng nấm... Theo đó, từng bước đa dạng hóa công tác dạy nghề, gắn dạy nghề với xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã với tiêu thụ sản phẩm; gắn dạy nghề với giải quyết việc làm góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Theo ông Quang, để nông dân hiểu rõ lợi ích của việc học nghề, nhất là những nông dân bị thu hồi đất, trung tâm sẽ lấy lực lượng cán bộ hội chủ chốt ở cơ sở đã được tập huấn làm nòng cốt để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách dạy nghề, phát động phong trào thi đua học tập, phát huy sáng kiến trong nông dân; chủ động dạy nghề và tự tạo việc làm.
Nông nghiệp Bình Dương đang dần chuyển hướng theo hướng đô thị. Vì vậy, để nông dân chuyển đổi mô hình thì rất cần những lớp đào tạo nghề phù hợp, dài hạn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, để nông dân vừa được học lý thuyết song song với thực hành. Có như vậy mới áp dụng thành công vào thực tế và mạnh dạn xây dựng mô hình phù hợp.
Nguồn Báo Bình Dương online