Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã tới dự Lễ khởi công.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ khởi công
Tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" được xây dựng tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, có vị trí sát chân núi Thổ Sơn, với quy mô 8,5 ha, có sức chứa 20.000 người, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, chính trị - xã hội của toàn tỉnh.
Bố cục Tượng đài gồm 2 phần: Phía trước là nhóm tượng 7 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm, chân dung thể hiện thời kỳ Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tháng 3/1961. 6 nhân vật đại diện cho nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang quây quần bên Bác gồm: lực lượng vũ trang, thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, công nhân và trí thức. Phía sau Tượng đài là phù điêu gồm 3 mảng với mảng chính là biểu tượng cây đa Tân Trào, di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam. Hai mảng phù điêu hai bên khắc họa một số hình ảnh hoạt động, sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, danh lam, thắng cảnh, kinh tế của tỉnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 từ năm 2012 đến 2014 sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục: sân quảng trường; nhóm tượng và phù điêu trung tâm, khán đài gắn với tượng đài; hệ thống điện; đường diễu hành và đường nội bộ trong quảng trường; nhà thắp hương Bác Hồ. Giai đoạn 2 được thực hiện sau năm 2014 sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại theo quy mô quy hoạch và dự án đã được phê duyệt.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Tuyên Quang vinh dự và tự hào là vùng đất lịch sử của Thủ đô Khu giải phóng Cách mạng Tháng 8/1945 và Thủ đô Kháng chiến trong 9 năm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược (1946 -1954). Nơi đây đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng và khắc ghi sâu đậm những hình ảnh, những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của Đảng và nhân dân Việt Nam, là nơi Người đã đề ra những tư tưởng chỉ đạo, những quyết sách chiến lược đưa cách mạng Việt Nam tới thắng lợi vĩ đại... Đáp ứng nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã đồng ý về chủ trương xây dựng tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Tuyên Quang và chỉ đạo tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương tích cực triển khai thực hiện.
Các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng Tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang"
Đây là công trình lịch sử đặc biệt quan trọng, thể hiện tình cảm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, nhân dân Tuyên Quang và nhân dân cả nước đối với Bác Hồ. Đồng thời, có ý nghĩa quan trọng, giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ người Việt Nam. Do ý nghĩa chính trị to lớn và yêu cầu có tính nghệ thuật cao của công trình, Chủ tịch nước đề nghị trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Tuyên Quang cần phối hợp với các Bộ ngành Trung ương chỉ đạo xây dựng công trình đảm bảo đúng trình tự, quản lý chặt chẽ, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, không được để xảy ra bất cứ sai sót nào.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Cách làm thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để kế thừa, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, lưu giữ nhiều di tích lịch sử về Bác, được dựng tượng đài Bác, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang phải là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong học tập và làm theo lời dạy, tấm gương đạo đức của Bác. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách, đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn còn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang cần nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; trong đó, tập trung vào phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hoá, nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khoá XI) về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để khai thác, phát huy tốt những tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế của tỉnh theo chiều sâu, nhanh, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, phát huy lợi thế toàn vùng. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; trong đó, tập trung cao vào đấu tranh chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, điều mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đang hết sức trông chờ...
Chương trình văn nghệ tại Lễ khởi công
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, trong thời kỳ phát triển mới, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, học tập và làm theo tấm gương đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh, với tinh thần đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, phát huy tốt tiềm năng lợi thế, nguồn lực của tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam