Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (DCƠCS), thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Mặt trận, đoàn thể đã triển khai thực hiện công tác này một cách nghiêm túc, bài bản; qua đó phát huy quyền làm chủ, tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KH-XH) của tỉnh.

Để việc thực hiện quy chế DCƠCS đi vào nền nếp, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế DCƠCS của tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy chế DCƠCS, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế DCƠCS, Luật Thực hiện DCƠCS. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Thuận quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện DCƠCS trên địa bàn tỉnh được ban hành, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị càng quan tâm, gắn việc thực hiện quy chế DCƠCS với nhiệm vụ chính trị. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân về thực hiện quy chế DCƠCS ngày càng nâng cao.

Hiệu quả của việc thực hiện quy chế DCƠCS được thể hiện rõ qua việc người dân ngày càng phát huy quyền làm chủ, tham gia giám sát, đóng góp ý kiến, kiến nghị đối với việc thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên các lĩnh vực, nhất là các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lớn đến phát triển KH-XH, dân sinh, điển hình như: Kế hoạch phát triển KH-XH, chủ trương xây dựng các dự án, công trình đầu tư, quyết định thu hồi đất, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các công trình, dự án; việc quản lý, sử dụng các loại quỹ, các khoản huy động đóng góp từ nhân dân, thủ tục cải cách hành chính...

Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa trả lời chất vấn kỳ họp lần thứ 22 HĐND tỉnh khóa XI.

Công tác cải cách hành chính, thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến, chỉ số hài lòng của người dân được các cấp, các ngành quan tâm, duy trì thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 26/26 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 100% UBND huyện, thành phố và xã triển khai phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc được tích hợp chứng thư số và được gắn mã định danh. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, giữa chủ doanh nghiệp với người lao động được thực hiện thường xuyên giúp người dân, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, giúp các ngành, các cấp, cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhận diện những hạn chế, tồn tại, có giải pháp khắc phục trong công tác quản lý, điều hành.

HĐND các cấp không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hoạt động giám sát, chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp ngày càng được tổ chức có khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế của địa phương, được dư luận xã hội quan tâm. Công tác tiếp xúc cử tri ngày càng thiết thực, sâu sát, hiệu quả. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri; công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân được quan tâm, thực hiện đảm bảo quy định không chỉ tạo mối gắn kết giữa đại biểu HĐND với cử tri, giúp HĐND các cấp phát huy vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, mà còn góp phần giúp các cấp, các ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KH-XH, nghị quyết của HĐND.

Tổ chức Mặt trận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, của tổ chức, doanh nghiệp...; nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát đối với tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên, đại biểu dân cử theo quy định.

Đồng chí Chamaléa Thị Thủy, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế DCƠCS tỉnh, cho biết: Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, năm diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị quan trọng, nhất là đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030. Đặc biệt, Quốc hội đã đồng ý tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; tỉnh đang tập trung hoàn thành các đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quy chế DCƠCS, phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đoàn kết nhân dân để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế DCƠCS của tỉnh chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trung ương và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về thực hiện DCƠCS; trọng tâm Luật Thực hiện DCƠCS, Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện DCƠCS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gắn với việc triển khai thực hiện DCƠCS với Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 320-KH/TU ngày 10/7/2024 của Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Phát huy dân chủ gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, công tâm, khách quan. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới tác phong làm việc theo hướng dân chủ và tôn trọng nhân dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Mặt trận, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Luật Thực hiện DCƠCS. Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.