Để hiện thực hóa các mục tiêu Quy hoạch đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp; huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội và mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế-xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước; tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Thuận ra quân nhặt rác, bảo vệ môi trường biển. (Ảnh BÍCH HUỆ)
Cụ thể, môi trường mặt nước ở một số thành phố lớn bị ô nhiễm do các hoạt động phát triển đô thị, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hệ thống thoát nước tại các đô thị chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước, nhiều hệ thống thoát nước không đồng bộ với hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến hiệu quả xử lý thấp.
Chỉ có khoảng 15% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý (chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh). Trong khi đó, ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi (PM10, PM2,5) đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân, nhất là tại các đô thị lớn chất lượng không khí ngày một suy giảm.
Về nguyên nhân ô nhiễm môi trường ở nước ta thời gian qua, bên cạnh quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, thì ở một số địa phương vẫn còn tồn tại tư tưởng ưu tiên và coi trọng tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá và xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường; ý thức trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn bất cập; nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn tài chính cho hoạt động này tại các địa phương; năng lực dự báo, cảnh báo phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường của cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các doanh nghiệp còn hạn chế...
Theo Phó Vụ trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền: Để bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới với bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, cần bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết trước cộng đồng quốc tế.
Ngày 8/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Quy hoạch đề ra các mục tiêu như: phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm ảnh hưởng đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật; bảo tồn giá trị tự nhiên đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên để phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, mở rộng, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha. Quy hoạch cũng đặt ra việc đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và nguy hại phát sinh trên cả nước…
Về tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đặt ra là bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, đất nước sẽ phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, để triển khai Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kịp thời và hiệu quả, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường, nhất là thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Trong quản lý, thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường, nhất là tăng cường năng lực cho chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã; đồng thời chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng giảm “tiền kiểm”, tăng “hậu kiểm”, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, người dân cần triển khai đồng bộ các giải pháp và thực hiện nghiêm công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật và đầu tư tài chính cho bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương cho dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo đó kế hoạch sẽ tập trung huy động tối đa nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án triển khai Quy hoạch, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thực hiện các khu xử lý chất thải quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh…
Theo nhandan.vn