Tăng cường phòng, chống bệnh sởi

Tính đến ngày 5/12, tỉnh Ninh Thuận ghi nhận 345 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 101 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi, tăng 101 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 không có ca mắc sởi), không ghi nhận tử vong.

Số ca mắc sởi được ghi nhận tại 6/7 huyện, thành phố, trừ huyện Bác Ái. Cụ thể: Huyện Thuận Nam 73 trường hợp; Ninh Phước 10 trường hợp; Thuận Bắc 6 trường hợp; Ninh Hải 6 trường hợp; Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 4 trường hợp và huyện Ninh Sơn 2 trường hợp. Toàn tỉnh ghi nhận 2 ổ dịch sởi tại xã Phước Dinh (Thuận Nam) và xã Lợi Hải (Thuận Bắc).

Tại xã Phước Dinh, nơi có số ca nghi mắc sởi lớn nhất tỉnh với 254 trường hợp, trong đó có 71 trường hợp dương tính với sởi, chính quyền địa phương, Trạm Y tế xã đã triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng ngừa. Theo bà Võ Thị Kim Hạnh, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Dinh: Địa phương xuất hiện ca nghi sởi đầu tiên vào ngày 9/9, sau đó, nhanh chóng lây lan phát sinh thành ổ dịch. Khi xuất hiện bệnh, trạm y tế đẩy mạnh truyền thông trên phương tiện loa phát thanh, các nền tảng mạng xã hội, Zalo và cử cán bộ y tế đến tận từng gia đình, khu dân cư có người nghi mắc sởi để tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh sởi và cách phòng tránh. Xác định đối tượng mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ lây lan cao ra cộng đồng, nhất là tại các trường học, Trạm Y tế xã đã tham mưu UBND xã tiến hành áp dụng các biện pháp cần thiết như: Cho học sinh nghi mắc sởi nghỉ học ở nhà để theo dõi và cách ly, đeo khẩu trang khi đến lớp, cho nghỉ học toàn bộ lớp học khi hơn 1/3 số học sinh trong lớp nghi mắc bệnh. Tại các trường mầm non tổ chức ăn lệch ca, những lớp có học sinh nghi nhiễm thì không tổ chức ra chơi.

Ngoài ra, trạm cấp hơn 6.000 khẩu trang cho người dân, tiến hành phun Cloramin B khử khuẩn tại các khu dân cư. Đồng thời, rà soát các đối tượng từ 1-5 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi để vận động gia đình đưa con em đến tiêm. Đến nay 100% trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn xã đã được tiêm phòng vắc xin sởi. Hiện còn 160 trường hợp từ 5-10 tuổi chưa tiêm phòng, địa phương đang tuyên truyền người dân chủ động tiêm phòng cho các em.

Nhân viên Trạm Y tế xã Phước Dinh tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ em.

Trước tình hình bệnh sởi tăng cao trên địa bàn tỉnh, thời gian qua nhiều phụ huynh cũng chủ động đưa con đi tiêm ngừa. Ngoài tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, một số gia đình còn đưa con đến các cơ sở, trung tâm tiêm chủng dịch vụ để tiêm ngừa sởi.

Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trước tình hình bệnh sởi tăng cao trong thời gian gần đây, ngành y tế đã tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi và mắc sởi tại tất cả các bệnh viện, cộng đồng để thu dung và cách ly điều trị; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch để ngay khi phát hiện; duy trì hệ thống thông tin về báo cáo tình hình dịch; đánh giá nguy cơ và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả bao gồm triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi, tập trung tiêm đủ cho các đối tượng 9 và 18 tháng tuổi, tổ chức rà soát tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là tại các địa phương đang có dịch và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Ngành y tế cũng phối hợp với ngành giáo dục triển khai thực hiện tốt các biện pháp phát hiện, phòng ngừa bệnh sởi tại các cơ sở giáo dục. Lưu ý học sinh mắc bệnh sởi cần được nghỉ học để cách ly và điều trị ít nhất trong vòng 7 ngày nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.

Kết quả thống kê cho thấy, trong số 101 trường hợp dương tính với virus sởi ghi nhận trên địa bàn tỉnh, có 7 trường hợp dưới 1 tuổi, 43 trường hợp từ 1-5 tuổi, 34 trường hợp từ 6-10 tuổi và 17 trường hợp trên 10 tuổi. Cũng trong số này, xét về tiêm ngừa, có 22 trường hợp đã tiêm mũi 1, có 17 trường hợp đã tiêm mũi 2, còn lại 62 trường hợp không tiêm.

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo: Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua đường hô hấp, dễ gây biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Hiện nay, không có thuốc đặc trị cho bệnh sởi. Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và giảm triệu chứng. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả. Do vậy, các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Mọi người có thể tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi nếu không rõ tiền sử tiêm sởi trong quá khứ. Tại các địa bàn có dịch, người dân cần hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực đông người. Khi nghi ngờ mắc bệnh gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám và điều trị.