Tp. Phan Rang - Tháp Chàm thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo

Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm giảm sâu, đời sống người dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Tạo sinh kế cho người dân

Là mẹ đơn thân, chị Đặng Tuyết Anh, khu phố 4, phường Đô Vinh phải lo toan mọi thứ, từ việc làm thuê đến chăm sóc con cái. Đúng lúc khó khăn nhất, chị được thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng từ Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”. Khoản vay này như “chiếc phao cứu sinh”, giúp chị có vốn mua sắm thêm bàn ghế, máy móc chuyển sang bán đồ ăn sáng. Được địa phương vận động, chị Đặng Tuyết Anh mạnh dạn tham gia lớp nghiệp vụ pha chế. Sau khi học nghề, chị Tuyết Anh về địa phương bán thêm nước giải khát. Nhờ sự kiên trì và chăm chỉ, công việc của chị dần ổn định mang lại thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày, các con có điều kiện ăn học đầy đủ hơn. Chị Tuyết Anh chia sẻ: Thông qua dự án, tôi không chỉ có thêm cơ hội cải thiện thu nhập, mà còn có thể học thêm nghề mới, mở rộng công việc. Nhờ có công việc ổn định cuộc sống mẹ con tôi cải thiện hơn trước và vươn lên thoát nghèo.

Được hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, anh Lê Văn Hiệp, phường Văn Hải vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Quanh năm chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống gia đình anh Lê Văn Hiệp, khu phố 11, phường Văn Hải vẫn thiếu trước, hụt sau. Năm 2022, anh được hỗ trợ 25 triệu đồng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Được tiếp vốn, anh trồng 2 sào tỏi, xen canh với các loại rau như: Hành, quế, cải... Nhờ chăm chỉ, sáng tạo trong sản xuất và áp dụng đúng kỹ thuật, đến cuối năm 2022, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Không chỉ hoàn trả 15% số vốn cho địa phương, anh còn mở rộng diện tích xen canh nhiều loại rau màu khác, nâng cao thu nhập. Anh Hiệp vui mừng cho biết: Sự hỗ trợ của thành phố giúp gia đình tôi thay đổi hoàn toàn, không chỉ thoát nghèo, mà còn có thêm cơ hội phát triển.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để làm tốt công tác giảm nghèo, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến công tác phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với những hộ cận nghèo, hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo. Đồng thời tổ chức các buổi tham vấn, đối thoại với hộ nghèo trên địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và cùng người dân tìm ra giải pháp thoát nghèo. Với những nguyên nhân nghèo như thiếu vốn, chưa được đào tạo nghề thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để giải quyết. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2024, thành phố giải ngân hơn 9,7 tỷ đồng để triển khai các dự án, tiểu dự án giảm nghèo bền vững trên địa bàn, gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình. Thông qua dự án, tiểu dự án đã giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đời sống bà con dần ổn định hơn. Cùng với đó, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa sinh kế và phát triển các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện của hộ nghèo và thế mạnh địa phương.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,58% (vượt 156% so với chỉ tiêu đề ra). Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng với những cách làm hay, mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo thiếu vốn sản xuất vay ưu đãi đã kích thích sản xuất phát triển, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Chú trọng đào tạo nghề gắn với việc làm và ổn định thu nhập, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo bền vững, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp các ngành liên quan, UBND xã, phường mở lớp dạy nghề gắn với nguyện vọng của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp. Đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức 16 lớp dạy nghề (nghiệp vụ bếp, pha chế, kỹ thuật trang điểm, cắt tóc) cho 422 học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên được giới thiệu việc làm tăng thu nhập lúc nhàn rỗi, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm còn gặp một số khó khăn, như: Một số địa phương không có đất nông nghiệp để sản xuất, trồng trọt; chăn nuôi ảnh hưởng mỹ quan đô thị; không còn đối tượng nghèo, cận nghèo đủ điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề...

Đồng chí Võ Khánh Hiền Hòa, Phó Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cho biết: Nhằm đẩy mạnh thực hiện các dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, từ đó giúp người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo, khơi dậy tinh thần “tự lực, tự cường” vươn lên thoát nghèo của người dân, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo. Phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng đối tượng, để có những chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện của từng đối tượng. Cùng với đó, tập trung triển khai đồng bộ, sử dụng nguồn vốn các dự án, tiểu dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; phát huy hiệu quả mô hình tạo sinh kế, dạy nghề gắn với tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo.