Hợp tác công – tư thúc đẩy thực hành sản xuất bền vững

Hợp tác công – tư được coi là chiếc chìa khóa để đưa nông dân tiếp cận với ứng dụng khoa học và tạo lập những thói quen sản xuất bền vững mới, đáp ứng các nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

 Nông dân nâng cao đời sống nhờ tiếp cận khoa học

Đến tỉnh Đồng Tháp vào những ngày này chúng tôi thường nghe thấy câu khẩu hiệu bàn nhau sản xuất cho hiệu quả: "Phải làm theo '4 đúng, 5 vàng thì mới được". Tìm hiểu sâu hơn thì được biết đây là một chương trình tập huấn về thực hành sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm. Đây là chương trình được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ NN&PTNT, phối hợp với Hiệp hội Croplife Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp cùng thực hiện.

Tại vườn quýt trĩu quả của ông Nguyễn Văn Đầy, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang tấp nập nhiều khách thăm quan khu vườn sinh thái. Ông Đầy cho biết: "Trước đây, khi chưa qua hoạt động tập huấn, chúng tôi sử dụng thuốc BVTV theo tập quán cũ, một năm sẽ xịt khoảng 24 lần, sau khi được tập huấn chúng tôi chỉ xịt vào những thời điểm cần thiết. Trung bình xịt từ 12 đến 14 lần một năm. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong canh tác cây quýt hồng giúp gia tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình".

Các vườn trái cây thu hút người tham quan và mua sắm nhờ thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại vườn xoài của ông Trần Minh Giữ (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), ông Giữ cho biết trước khi tham gia lớp tập huấn, ông sử dụng thuốc BVTV còn phối trộn nhiều loại thuốc với nhau, chưa nắm vững kỹ thuật, chưa áp dụng hiệu quả theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng nồng độ liều lượng) và "5 vàng" trong việc dùng thuốc BVTV.

Tuy nhiên sau khi tham gia các lớp tập huấn, ông đã xác định được sinh vật gây hại để chọn thuốc đặc trị và sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng", qua đó cây xoài cho năng suất, hiệu quả cao hơn.

"Thông qua lớp tập huấn, chúng tôi cũng nhận thức được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là trách nhiệm của mỗi người dân để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là ngày càng đem lại môi trường xanh, sạch đẹp hơn", ông Giữ nói.

Nguyên tắc "4 đúng" những người nông dân Đồng Tháp hay nhắc đến đó là: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng nồng độ liều lượng trong sử dụng thuốc BVTV. Dự án đã giúp những người nông dân học trên chính cây ăn trái mình trồng, qua đó giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, trái cây ra thị trường được bảo đảm, giá bán tăng cao, đồng thời, bảo đảm hệ sinh thái của môi trường và sức khỏe của nông dân.

Nguyên tắc "5 vàng" cụ thể là tuân thủ các khuyến cáo về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; đọc và hiểu các thông tin, ký hiệu ghi trên nhãn thuốc; mặc đồ bảo hộ lao động phù hợp; cẩn thận khi phun thuốc, bảo quản tốt bình bơm, xử lý bao gói thuốc đúng cách; thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân.

Du khách được trải nghiệm các sản phẩm hoa quả tươi sạch và tận mắt chứng kiến nông dân thực hành canh tác an toàn có ấn tượng rất tốt với các nhà vườn tại Đồng Tháp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngành BVTV hướng đến việc dùng thuốc an toàn cho nông dân

Theo TS. Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN&PTNT, việc tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết và ưu tiên của Cục BVTV.

"Trong thời gian qua, Cục đã phối hợp với chính quyền các cấp và mạng lưới đối tác trong ngành BVTV xây dựng nhiều chương trình hành động, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về việc sử dụng an toàn và hiệu quả các vật tư nông nghiệp, trong đó bao gồm cả thuốc BVTV. Việc triển khai chương trình tại Đồng Tháp cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước tái khẳng định các cam kết lâu dài của Cục nhằm theo đuổi các cam kết về phát triển nông nghiệp bền vững", ông Đạt cho hay

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp ghi nhận những đóng góp và phối hợp hiệu quả của Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam. Theo ông Huỳnh Tất Đạt, việc áp dụng các phương thức sản xuất bền vững không chỉ đem tới nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, sức khoẻ và môi trường, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản của địa phương.

"Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các bên trong thời gian tới để triển khai thêm nhiều chính sách liên quan giúp nông dân gia tăng thu nhập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đã đề ra", ông Huỳnh Tất Đạt đề xuất.

Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam, cho biết, tất cả công ty thành viên CropLife cam kết luôn tiến hành song song các hoạt động tập huấn khi giới thiệu và thương mại sản phẩm thuốc BVTV trên thị trường. Điều này nhằm tối đa hóa lợi ích, công dụng của sản phẩm cũng như giảm thiểu mọi rủi ro có thể có đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và chất lượng nông sản.

"Cam kết này cho thấy sức khỏe và sự an toàn của những người tiếp xúc với thuốc BVTV là ưu tiên hàng đầu của CropLife cùng các thành viên cũng như thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn của chúng tôi trong việc hỗ trợ an ninh lương thực và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững", Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam bày tỏ.

Đại diện CropLife Việt Nam cũng hy vọng, thành công của chương trình hợp tác triển khai tại Đồng Tháp sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng và kêu gọi được sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị - hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm.

Các bên cũng sẽ phổ biến thông tin và hỗ trợ Đồng Tháp xây dựng hồ sơ xin tài trợ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam theo quy định EPR, nhằm tạo nguồn lực ổn định và lâu dài cho hoạt động thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Những điểm mới này không chỉ giúp người dân làm quen và tiếp cận với các cải tiến trong lĩnh vực BVTV mà còn thúc đẩy việc áp dụng một cách an toàn và có trách nhiệm.

Theo Chinhphu.vn