Ông Nguyễn Thế Hoàn, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Ninh Phước, cho biết: Trên cơ sở chỉ tiêu vốn giao, hằng năm PGD đều xây dựng kế hoạch, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Đồng thời, trong quá trình hoạt động chuyên môn, đơn vị luôn đổi mới cách thức tổ chức quản lý vốn tín dụng chính sách phù hợp; rút ngắn thủ tục, đơn giản hóa quy trình thẩm định hồ sơ, duy trì có hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch xã, kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng.
Người dân xã Phước Hậu đầu tư trồng táo từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tính chung 11 tháng năm 2024, PGD Ngân hàng CSXH huyện Ninh Phước thực hiện giải ngân 227,6 tỷ đồng, với 6.029 lượt khách hàng được vay vốn, nâng tổng dư nợ toàn huyện đạt 826,4 tỷ đồng, tăng 74,1 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn được đầu tư đến 100% các thôn, khu phố và xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao và hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn sinh sống. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của tín dụng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên, từ đó hộ vay ngày càng có ý thức, trách nhiệm đối với khoản vay và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trả nợ, lãi theo quy định. Bà Ngô Thị Thúy Hoa, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn La Chữ, xã Phước Hữu, chia sẻ: Để các tổ viên nắm bắt chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH, chúng tôi duy trì sinh hoạt tổ định kỳ để thông tin những quy định mới, nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của tổ viên, đề xuất cán bộ ngân hàng có giải pháp tháo gỡ. Phối hợp với Ban quản lý thôn rà soát, giới thiệu đối tượng, bình xét cho vay để người dân có vốn làm ăn, cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, sau khi được giải ngân vốn vay, chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác còn chủ động phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, giúp hộ vay nâng cao kiến thức áp dụng có hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh. Điển hình như gia đình chị Hán Thị Quyết, thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, từ chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH, chị có điều kiện phát triển chăn nuôi, sản xuất 6 sào lúa, mỗi tháng tích lũy từ 3-5 triệu đồng. Hay trường hợp của anh Trần Khá, khu phố 5, thị trấn Phước Dân, năm 2020, nhờ được vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, anh đầu tư mở cửa hàng sửa xe máy và chuyên bán các đồ phụ tùng xe máy, làm ăn có lãi đến nay anh đã trả hết cả gốc và lãi cho ngân hàng. Thực tế cho thấy, nguồn vốn tín dụng CSXH cùng với các nguồn lực khác, góp phần đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn huyện; đến cuối năm 2023 toàn huyện hiện còn 758 hộ nghèo, chiếm 1,84%/tổng số hộ toàn huyện.
Bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, ngoài tham mưu, đề xuất huyện quan tâm, cân đối bố trí vốn ủy thác, PGD Ngân hàng CSXH huyện Ninh Phước tập trung huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân; tăng cường thu hồi nợ đến hạn để tạo lập nguồn vốn cho vay xoay vòng. Đẩy nhanh giải ngân hoàn thành một số chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng còn tồn đọng; phối hợp rà soát đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện để triển khai cho vay nhanh chóng; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn, đảm bảo phát huy đúng mục đích.
Hồng Lâm