Bác Ái phát triển các làng nghề giúp người dân nâng cao thu nhập

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song huyện Bác Ái đã nỗ lực khai thác tiềm năng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Được thành lập hơn một năm nay, tổ hội nghề nghiệp đan lát (ĐL) ở xã Phước Thắng thu hút hơn 30 thành viên tham gia sản xuất các sản phẩm như: Gùi, nia, chiếu, rổ, quạt, nỏ, đàn Chapi... để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương và phát triển du lịch. Ông Katơr Giao ở thôn Ma Oai, cho biết: Trước đây do chưa có tổ hội nghề nghiệp ĐL nên sản phẩm của bà con làm ra ít, chủ yếu là trao đổi với người dân trong thôn. Từ ngày tổ hội nghề nghiệp ĐL được thành lập, sản phẩm làm ra bán được nhiều hơn, trung bình thu nhập từ nghề ĐL khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng/người, từ đó giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Ông Pi Năng Phố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thắng cho biết: Tổ hội nghề nghiệp ĐL của xã được thành lập vào đầu tháng 7/2023 nhằm đáp ứng mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai. Kế thừa và phát huy tinh hoa mà nghề ĐL truyền thống của cha ông để lại, tổ hội nghề nghiệp ĐL đã tạo ra những sản phẩm quà tặng từ ĐL vừa mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa mang tính hiện đại đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, qua đó giúp giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Gia đình bà Pi Năng Thị Tơ ở thôn Suối Rua, xã Phước Tiến gắn bó với nghề đan lát.

Tại xã Phước Tiến, những năm qua, nghề ĐL với những sản phẩm như: Gùi, nia, nỏ, đàn Chapi... không chỉ giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, mà còn lưu giữ và duy trì được nét truyền thống của dân tộc mình. Đến thăm bà Pi Năng Thị Tơ ở thôn Suối Rua có thâm niên hơn 60 năm trong nghề ĐL, tuy tuổi đã lớn nhưng nhìn đôi tay thoăn thoát của bà đang chẻ nan tre làm gùi, nia mới thấy sự yêu nghề của một người phụ nữ tuổi đã gần 90. Bà Tơ, chia sẻ: ĐL là nghề truyền thống của đồng bào Raglai có từ lâu đời và được lưu truyền cho đến ngày nay, gia đình tôi có 3 thế hệ cùng làm nghề này. Để làm ra những sản phẩm đẹp, tinh xảo, đảm bảo chất lượng, người thợ phải cần cù làm việc và thường xuyên tìm hiểu những mẫu mã mới, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng và thị hiếu của khách đặt hàng. Hiện nay, tuy tuổi đã lớn nhưng khi có đơn hàng đặt thì tôi cùng con gái, con rể và cháu làm các sản phẩm để giao cho khách hàng.

Bên cạnh làng nghề truyền thống ĐL đang được phát triển ở các địa phương, nghề làm rượu cần tuy không phải là nghề chính nhưng cũng giúp nhiều gia đình ở các xã: Phước Thành, Phước Trung, Phước Chính, Phước Bình... có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Gia đình bà Chamaléa Thị Biêu ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung có nhiều kinh nghiệm trong nghề làm rượu cần, chia sẻ: Rượu cần là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai nên gia đình tôi luôn lưu giữ cách làm rượu theo đúng quy củ mà ông bà để lại. Các chất liệu làm rượu cần đều từ sản vật của địa phương như: Bo bo, gạo, lúa, bắp, mì, rễ cây,... Ngày nay, rượu cần không chỉ xuất hiện trong cuộc sống thường ngày, trong các lễ hội, dịp tết... mà rượu cần được nhiều người ở trong và ngoài tỉnh biết đến.

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong thời gian tới, huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, khuyến khích phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với giải quyết việc làm; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy hoạch; khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trên địa bàn...