IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới mắc kẹt trong tăng trưởng chậm, nợ công cao

Nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột và cạnh tranh địa chính trị ngày một tăng, đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng chậm, nợ cao, đồng nghĩa với thu nhập thấp hơn và ít việc làm hơn. Cảnh báo trên được Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra ngày 24/10 tại hội nghị thường niên IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ).

Phát biểu với báo giới, bà Georgieva khẳng định đây là “thời điểm đáng lo ngại”. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2024 chỉ ở mức “èo uột” – như bà Goergieva mô tả, là 3,2%. Trong khi đó, thương mại toàn cầu đang ảm đạm trong bối cảnh xung đột và căng thẳng địa chính trị ngày một gia tăng, trong đó có mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tổng giám đốc IMF nêu rõ: “Thương mại không còn là động lực mạnh mẽ của tăng trưởng” và “Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu phân mảnh hơn”.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva.

Trong khi đó, nhiều nước đang phải chật vật xử lý các khoản nợ vốn phát sinh để đối phó với đại dịch COVID-19. IMF dự báo nợ công trên toàn thế giới sẽ lên tới 100.000 tỷ USD trong năm nay, tương đương 93% sản lượng kinh tế toàn cầu và có thể chiếm 100% vào năm 2030.

Tuy nhiên, IMF đánh giá bối cảnh kinh tế toàn cầu không quá bi quan. Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng như các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất và tình trạng tồn đọng tại các nhà máy, bến cảng, kho bãi đã gây ra sự thiếu hụt hàng hóa, chậm trễ trong giao nhận và giá cả tăng cao, song thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc kiềm chế lạm phát - vốn tăng mạnh trong hai năm 2021 và 2022, khi các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch.

IMF dự báo lạm phát ở các quốc gia giàu có thể giảm vào năm tới, xuống mức 2% mà các ngân hàng trung ương mong muốn. Áp lực giá cả đã giảm bớt và không đẩy thế giới rơi vào suy thoái. Người đứng đầu IMF nhận định hầu hết các nước trên thế giới sẽ sớm “hạ cánh mềm”.