Các nhà đàm phán sẽ họp tại thủ đô Baku, Azerbaijan vào tháng tới để thống nhất về mục tiêu tài trợ mới nhằm thay thế cam kết hiện tại. Trước đó, các nước phát triển đã cam kết cung cấp khoản tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với BĐKH.
Bangladesh phải đối mặt với tình trạng lũ lụt ngày càng gia tăng khi mực nước biển dâng cao.
Theo Trưởng nhóm đàm phán COP29, ông Yalchin Rafiyev, tại hội nghị trù bị trước thềm COP29 vào tuần trước, các bên tham gia đã lần đầu tiên nhất trí rằng nhu cầu cho hoạt động chống BĐKH lên tới hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng mục tiêu thực tế mà các quốc gia có thể cung cấp và huy động chỉ khoảng "hàng trăm tỷ USD".
Trong bối cảnh BĐKH làm trầm trọng thêm các thảm họa tự nhiên, các nước đang phát triển cho biết họ cần khoản tài chính lớn hơn để thích ứng với tình trạng nóng lên toàn cầu và cắt giảm lượng khí thải bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và năm 2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Các nhà khoa học cảnh báo mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 1,5 độ C đang nhanh chóng vượt khỏi tầm với nếu các nước không có hành động quyết liệt hơn. COP thường niên là nơi các đại diện chính phủ cùng họp bàn và đánh giá những nỗ lực toàn cầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 và Công ước khung của LHQ về BĐKH, với mục tiêu then chốt là khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C.
Hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ tham dự COP29 tại Baku, trong đó có khoảng 60 tổng thống và 38 thủ tướng. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề BĐKH. Nhiệm vụ chính của hội nghị lần này là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hằng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với BĐKH.
Theo TTXVN