Giám đốc chiến lược đầu tư Frederique Carrier thuộc cơ quan quản lý tài sản RBC Wealth Management cho biết: Kỳ vọng đã giảm khá nhiều, đặc biệt là khi nền kinh tế suy yếu. Kết quả kinh doanh của các “ông lớn” châu Âu, bao gồm tập đoàn xa xỉ LVMH và đối thủ Christian Dior, đã tạo ra một mùa công bố báo cáo thu nhập quý III đầy sôi động trong tuần qua. Một số nhà phân tích tin rằng hoạt động kinh doanh trong quý III đã khởi sắc, khi các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Công nhân làm việc tại nhà máy của hãng Volkswagen ở Zwickau, Đức.
Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với nhiều ngành nghề của châu Âu và những thông báo gần đây của nước này về các biện pháp kích thích quy mô lớn đã mang lại hy vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể một lần nữa là động lực của tăng trưởng toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An đã cam kết rằng nước này sẽ hành động nhiều hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế, giữa bối cảnh số liệu dự kiến được công bố vào cuối tuần vẫn sẽ xác nhận rằng nền kinh tế đang ảm đạm trong quý III.
So với Mỹ, “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc được đánh giá là quan trọng hơn đối với các công ty châu Âu phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn mang tâm lý thận trọng cho đến khi chi tiết về kế hoạch kích thích của Trung Quốc được công bố. Tại châu Âu, các ngành bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc là các nhà bán lẻ xa xỉ phẩm, chẳng hạn như LVMH và Kering, cùng các nhà sản xuất ô tô.
Các nhà đầu tư đã “tránh xa” ngành công nghiệp ô tô của châu Âu do nhu cầu giảm và cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc, đặc biệt là trong phân khúc xe điện.
Theo TTXVN