Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Công tác CĐS được Thành ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, xuyên suốt, lâu dài, làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể đã xây dựng kế hoạch thực hiện với chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong quá trình thực hiện, có sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá, kịp thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nên công tác CĐS được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực.
Ngoài đẩy mạnh phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về CĐS, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm nhân lực phục vụ CĐS. Hiện 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính; 100% cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã đã có mạng nội bộ (LAN) và kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh phục vụ truy cập internet, các phần mềm dùng chung của tỉnh; thành lập 131 tổ công nghệ số cộng đồng tại 16 phường, xã, 115 thôn, khu phố; 98,4% diện tích thành phố được phủ sóng mạng 5G; triển khai 8 hệ thống wifi công cộng phục vụ du khách, người dân; lắp đặt 350 mắt camera an ninh. Phối hợp đào tạo cho hơn 830 cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức về CĐS; tích cực hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp (DN) khai thác các dịch vụ công của tỉnh.
Xây dựng chính quyền số được thành phố đặc biệt chú trọng; là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tiên phong, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, của mỗi đảng viên, công chức, viên chức trong công tác CĐS. Hiện 100% các phòng, ban, ngành, UBND 16 phường, xã thực hiện việc trình văn bản gửi nhận văn bản thông qua phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc và sử dụng chứng thư số. UBND thành phố đã cung cấp 164/270 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó DVCTT toàn trình là 53 dịch vụ, DVCTT một phần là 111 dịch vụ; UBND 16 phường, xã cung cấp 70/110 DVCTT, trong đó DVCTT toàn trình là 16 dịch vụ, DVCTT một phần là 54 dịch vụ. Trong 9 tháng qua, thành phố đã tiếp nhận, giải quyết thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh 49.665 hồ sơ; trong đó cấp thành phố là 2.412 hồ sơ; cấp phường, xã là 47.253 hồ sơ; trực tuyến là 49.510 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,69%.
Ngoài ra, thành phố đã xây dựng đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tuyến trên các lĩnh vực: Quản lý, chăm sóc cây xanh, hệ thống chiếu sáng, giám sát quan trắc môi trường, an toàn giao thông... Đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối liên thông 3 cấp tỉnh, thành phố, phường, xã, khối mặt trận đoàn thể, công an thành phố; 100% cuộc họp HĐND được triển khai thông bua phòng họp không giấy. Đồng thời, ứng dụng các phần mềm: Quản lý hộ tịch, bảo trợ xã hội và hộ nghèo, quản lý đất đai, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, đăng ký xe mô tô; quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức... qua đó nâng cao hiệu quả, giảm đáng kể chi phí, thời gian, công sức trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.
Các lĩnh vực: Kinh tế số, xã hội số... đạt được nhiều kết quả quan trọng. UBND thành phố đã phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền, khuyến khích các DN, hợp tác xã ứng dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh như: Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt... Hiện nay có khoảng 85% DN có trang thông tin điện tử, 60% DN tham gia các website thương mại điện tử và ứng dụng các phần mềm chuyên dụng quản lý sản xuất, kinh doanh; 100% DN đăng ký thành công, triển khai hóa đơn điện tử. Có 100% cơ quan, nhà nước thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua kho bạc, ngân hàng. Ngành giáo dục và đào tạo ứng dụng hệ phần mềm quản lý giáo dục, từng bước kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu ngành; 100% các trường tiểu học và THCS đã triển khai ký học bạ điện tử. Đối với lĩnh vực y tế, 100% bệnh nhân từ 14 tuổi trở lên tiếp nhận khám bệnh bằng căn cước công dân; số người dân đã cài ứng dụng Sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 40,61%... Ghi nhận hơn cả là người dân đô thị ngày càng nhận thức, ý thức trách nhiệm và hình thành “nếp sống số” trong các giao dịch, sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Nhung, phường Thanh Sơn cho biết: Tôi làm nghề buôn bán tự do. Bản thân nhận thức rất rỏ các tiện ích trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công việc và cuộc sống. Hiện việc thanh toán tiền điện, nước, điện thoại của gia đình tôi và hầu hết các giao dịch mua bán đều được thực hiện qua ứng dụng smart banking cài đặt trên điện thoại; việc mua sắm cũng được thực hiện qua các trang thương mại điện tử... Tôi đang tìm hiểu thêm về các DVCTT để có thể thực hiện khi có nhu cầu làm thủ tục hành chính nhằm mang lại tiên ích và tiết kiệm thời gian cho mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế. Kinh tế số hiện chiếm 11,55% GRDP, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu 14%); tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán không dụng tiền mặt khi sử dụng dịch vụ y tế, người dân và DN sử dụng DVCTT thực hiện gửi hồ sơ, nhận kết quả trực tuyến còn thấp...
Đồng chí Nguyễn Thành Phú, cho biết: Thời gian tới, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục thực hiện các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và kỹ năng của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, DN về CĐS, ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng đồng bộ, hiện đại sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, DN và xây dựng chính quyền điện tử. Từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên nền tảng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số để thu hút nguồn lực CĐS... quyết tâm hoàn thành các mục tiêu CĐS, nhanh chóng xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Uyên Thu