Thay đổi tư duy xuất khẩu lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm gần đây, công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài luôn được tỉnh chú trọng đẩy mạnh, xem đây là một trong những giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và hiệu quả cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Thời gian trước, NLĐ là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thường có tâm lý e dè với xuất khẩu lao động (XKLĐ), phần vì ngại đi làm ăn xa, lo lắng về rào cản ngôn ngữ, nhưng lý do chủ yếu là vì không có vốn. Những khó khăn này đã và đang được tháo gỡ với chính sách hỗ trợ NLĐ là đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh khóa XI, NLĐ là người DTTS được hỗ trợ vay vốn tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ ngân sách địa phương đã ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Các chính sách hỗ trợ NLĐ là đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài đã tạo “bệ đỡ” giúp đồng bào tự tin hơn khi quyết định đi XKLĐ. Từ hướng đi này, nhiều lao động đã có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Người lao động được tư vấn xuất khẩu lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024.

Gia đình ông Dương Thành Dũng, đồng bào Chăm ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) là một trong số những trường hợp được hưởng lợi từ các chính sách trên. Được tạo điều kiện làm việc tại một công ty ở Đài Loan với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/người/tháng, bình quân mỗi tháng, vợ chồng người con út của ông Dũng gửi về cho gia đình khoảng 20 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, việc tính toán chi tiêu, lên kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu cũng trở nên thuận lợi hơn. Ông Dũng vui mừng chia sẻ: May mắn được thụ hưởng các chế độ ưu đãi trong đào tạo, xuất cảnh, lại được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn, tôi mới mạnh dạn động viên các con đi XKLĐ. Bản thân tôi cũng sắp xếp công việc, thay các con chăm sóc các cháu để các con yên tâm làm việc ở nước ngoài. Số tiền hằng tháng các con gửi về, gia đình dành để chi trả các khoản nợ, tích góp vốn liếng làm ăn, nuôi các cháu ăn học.

Cũng được trao cơ hội ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, cuộc sống gia đình chị Chamaléa Thị Gái, dân tộc Raglai ở thôn Suối Rớ, xã Phước Chính (Bác Ái) được cải thiện nhiều so với trước. Năm 2018, chị Chamaléa Thị Gái được chính quyền địa phương tư vấn công việc giúp việc nhà và chăm sóc trẻ tại Ả Rập Xê Út. Nhận thấy đây là công việc phù hợp với nguyện vọng và khả năng lao động của mình, lại không đòi hỏi cao về trình độ ngoại ngữ, chị Chamaléa Thị Gái mạnh dạn đăng ký tham gia. Với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, sau 4 năm làm việc tại Ả Rập Xê Út, trở về địa phương, chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang và đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Thấy thị trường XKLĐ rộng mở, lại được hỗ trợ chi phí đào tạo, xuất cảnh nên người thân, bạn bè, láng giềng của chị cũng quyết định đi XKLĐ. Chị Gái chia sẻ: Khi quyết định đi nước ngoài làm việc, tôi có rủ một số bạn bè cùng đi nhưng ai cũng ngần ngại. Tâm lý chung của đồng bào DTTS là không muốn xa gia đình, sợ bị lừa và không tự tin trước đám đông. Vậy nhưng sau khi sang Ả Rập Xê Út làm việc, hòa nhập với môi trường nơi xứ người và gửi tiền đều đặn cho gia đình, nhiều người thân và bạn bè đã có cách nhìn khác, một số bạn bè đã mạnh dạn đăng ký XKLĐ.

Thực tế cho thấy, một trường hợp đi làm việc ở nước ngoài hiệu quả sẽ nhân lên nhiều trường hợp tương tự vì đối với bà con thì “trăm nghe không bằng một thấy”, mà chị Chamaléa Thị Gái là một ví dụ. Do vậy, những năm gần đây, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác XKLĐ trong đồng bào DTTS, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào biết đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong XKLĐ, ngành chức năng của tỉnh, các công ty XKLĐ đã phối hợp các địa phương bám địa bàn, vận động, tư vấn trực tiếp tại các thôn xóm, trong đó sử dụng những lao động đã hết hạn hợp đồng về nước tham gia tư vấn, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng người DTTS bằng chính những tấm gương XKLĐ của con em họ. Nhờ đó, giúp đồng bào an tâm, tin tưởng đi XKLĐ, tiếp cận cơ hội việc làm, giúp họ ổn định thu nhập và nâng cao đời sống. Với cách làm này, chỉ sau 8 tháng năm 2024, ngành lao động - thương binh và xã hội đã hoàn thành kế hoạch đưa 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đến tháng 9, con số này tăng lên 164 lao động, vượt 9,34% kế hoạch năm; đạt 74,55% so với kế hoạch đột phá.

Đồng chí Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Người DTTS ra nước ngoài làm việc thường được đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó và thật thà. XKLĐ trở về, đồng bào không chỉ có cuộc sống tốt hơn mà còn giàu kỹ năng, kiến thức và cái được lớn nhất chính là họ đã thay đổi được tư duy cũ, đem tư duy mới trong sản xuất, kinh doanh về để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chú trọng tiếp cận đơn hàng lao động có giá thành rẻ, hạn chế phát sinh thêm chi phí cho NLĐ; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS để tư vấn, thông tin thị trường XKLĐ, giúp NLĐ tiếp cận thông tin việc làm, mức thu nhập và các điều kiện làm việc; đồng hành, hỗ trợ giải quyết tất cả những vướng mắc, khó khăn từ lúc bắt đầu đến khi NLĐ kết thúc thời gian làm việc, trở về nước; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đưa 220 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo kế hoạch đột phá năm 2024.