Tp. Phan Rang - Tháp Chàm: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường bảo đảm đúng tiến độ

Theo Nghị quyết số 1198/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023-2025, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có 5 phường phải sắp xếp. Cụ thể, nhập các phường Tấn Tài, Mỹ Hương vào phường Kinh Dinh thành đơn vị hành chính mới lấy tên gọi là Kinh Dinh; nhập phường Thanh Sơn vào phường Phủ Hà thành đơn vị hành chính mới lấy tên gọi là Phủ Hà.

Để việc sáp nhập các phường đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ, thời gian qua, Thành ủy, UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các công việc, quy trình thủ tục với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định, được nhân dân đồng thuận, thống nhất cao.

Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Để việc sáp nhập phường được thực hiện khoa học, bài bản, hiệu quả, Thành ủy, UBND thành phố luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh trên cơ sở đó ban hành chỉ thị, đề án, kế hoạch; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp các phường giai đoạn 2023-2025 và 3 tổ công tác gồm: Tổ tham mưu thực hiện sắp xếp nhân sự; Tổ tham mưu thực hiện công tác tuyên truyền, vận động; Tổ tham mưu thực hiện sắp xếp trụ sở, tài sản công, địa giới hành chính, chuyển đổi giấy tờ để tập trung theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.

Trụ sở phường Thanh Sơn hiện nay sẽ được bố trí làm trụ sở chính sau khi phường Phủ Hà và phường Thanh Sơn sáp nhập. Ảnh: Mỹ Dung

Xác định những khó khăn cũng như một số ảnh hưởng từ việc sáp nhập phường đối với đời sống nhân dân, nhất là tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC), người hoạt động không chuyên trách thuộc diện sắp xếp, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, thông cảm, chia sẻ, đồng hành cùng các cấp ủy, chính quyền khắc phục những khó khăn phát sinh trong quá trình sắp xếp ĐVHC, thành phố đã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, kiện toàn bộ máy của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cấp phường; giải quyết chế độ, chính sách, thực hiện tinh giản biên chế đối với CBCC, người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo hướng dẫn của trung ương. Hiện 5 phường đang sử dụng 200 người, gồm 47 cán bộ, 39 công chức, 41 người hoạt động không chuyên trách phường và 73 người hoạt động không chuyên trách thôn, khu phố. Sau khi sáp nhập, dự kiến sẽ có 163 người được bố trí công tác tại 2 phường mới: Kinh Dinh và Phủ Hà; sử dụng lại toàn bộ 73 người hoạt động không chuyên trách thôn, khu phố. Đối với 37 người thuộc diện dôi dư, trong đó có 28 CBCC sẽ được bố trí công tác tại các phường khác; số người không chuyên trách cấp phường còn lại được giải quyết tinh giản biên chế. Đồng chí Bành Thế Hưng, Chủ tịch UBND phường Phủ Hà cho biết: Hiện phường Phủ Hà có 20 CBCC, người không chuyên trách; sau khi sáp nhập có một số CBCC dôi dư. Thông qua tuyên truyền, vận động và công tác tư tưởng, anh chị em luôn nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ, chức trách được phân giao, thống nhất, đồng tình với phương án giải quyết nhân sự của cấp trên.

Cùng với sắp xếp nhân sự, thành phố cũng đã xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, máy móc, thiết bị và tài sản khác của UBND các phường bảo đảm tài sản của Nhà nước được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng tiêu chuẩn, khoa học, phù hợp, đúng quy định. Theo đó, sau hợp nhất, trụ sở phường Phủ Hà được bố trí tại trụ sở phường Thanh Sơn cũ; trụ sở chính Công an phường Phủ Hà sử dụng trụ sở Công an phường Phủ Hà cũ, trụ sở Công an phường Thanh Sơn là cơ sở 2; trụ sở Trạm Y tế phường Phủ Hà mới sử dụng trụ sở Trạm Y tế phường Phủ Hà cũ. Trụ sở phường Kinh Dinh mới sẽ được xây mới tại trụ sở phường Tấn Tài cũ; trụ sở chính Công an phường Kinh Dinh mới sử dụng trụ sở Công an phường Kinh Dinh cũ, trụ sở Công an phường Tấn Tài là cơ sở 2; trụ sở Trạm Y tế phường Kinh Dinh mới sử dụng Trụ sở Trạm Y tế phường Kinh Dinh cũ... Các trụ sở còn lại cũng như trang thiết bị máy móc của các phường được rà soát, sắp xếp và sử dụng theo đúng quy định. Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở đất, nhà; máy móc, thiết bị và tài sản khác các phường hợp nhất bảo đảm đúng thủ tục, trình tự, đúng quy định; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí; hạn chế tối đa việc để tài sản không sử dụng, hư hỏng, xuống cấp. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất để thành phố bố trí nguồn kinh phí thực hiện sửa chữa, nâng cấp cải tạo các hạng mục công trình trụ sở đã xuống cấp... nhằm phục vụ điều kiện làm việc tốt nhất cho các cơ quan, đơn vị.

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Văn Nỷ

Để việc sáp nhập phường bảo đảm hiệu quả, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của thành phố là tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị, địa phương. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cấp phường. Sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách, thực hiện tinh giản biên chế đối với CBCC, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; rà soát các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, lực lượng bảo vệ dân phố, công an cấp xã, lực lượng dân phòng để tiến hành sắp xếp, kiện toàn theo quy định pháp luật. Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC...

Những ngày này, người dân tại 5 phường thuộc diện sáp nhập rất phấn khởi, háo hức chuẩn bị trở thành “công dân mới”. Chị Nguyễn Thị Mai, khu phố 8, phường Thanh Sơn chia sẻ: Khi mới biết phường Thanh Sơn sáp nhập vào Phủ Hà, tôi hơi hoang mang, nhất là vấn đề chuyển đổi giấy tờ làm ảnh hưởng đến việc buôn bán, kinh doanh. Nhờ được cán bộ khu phố tuyên truyền và thông tin trên các phương tiện thông tin, tôi hiểu các lợi ích, tiện ích khi phường được sáp nhập. Tôi rất đồng tình, ủng hộ.

Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm: Quá trình sắp xếp ĐVHC có khối lượng công việc lớn, gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề nên cần sự chung tay, thống nhát, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Điều phấn khởi hơn cả việc sáp nhập phường được hầu hết cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây chính là cơ sở, động lực, động viên to lớn của các cấp ủy, chính quyền hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Sau khi sáp nhập, phường Kinh Dinh mới có diện tích tự nhiên 3,488km2, quy mô dân số khoảng 25.000 người; phường Phủ Hà có diện tích tự nhiên 2,397km2, quy mô dân số khoảng 24.000 người. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có 12 phường và 1 xã. Việc sáp nhập phường sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để quản lý, thực hiện các quy hoạch, cũng như các lĩnh vực: Đô thị, đất đai, xây dựng, dân cư, an ninh chính trị... Đặc biệt, tập trung nguồn lực, tạo động lực, môi trường, điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phù hợp theo định hướng phát triển chung của địa phương.