Phát triển đồng bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 11/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt Nghị quyết 15), các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương còn linh hoạt vận dụng, tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nhất là tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo và hỗ trợ cơ chế, chính sách của trung ương. Kết cấu hạ tầng khu vực được tập trung đầu tư; các dự án trọng điểm, động lực được đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kêu gọi đầu tư, từ đó hình thành các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, khu đô thị, các dự án năng lượng... Nhờ đó, thúc đẩy KT-XH vùng KTTĐPN của tỉnh được duy trì ổn định và tăng trưởng khá; bình quân ước tăng 13,3%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả tỉnh (9,29%); quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 1,66 lần so năm 2020; tỷ trọng đóng góp của vùng KTTĐPN của tỉnh trong GRDP của tỉnh đạt 22,53%; GRDP bình quân đầu người đạt 106,2 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần cả tỉnh. Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo đóng góp lớn vào phát triển KT-XH của vùng, chiếm trên 40% tổng số công suất vận hành của toàn tỉnh.

Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công Khu đô thị mới Đầm Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Tuy nhiên, qua đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, đó là: Một số cơ quan, đơn vị chưa ban hành kế hoạch, chương trình cụ thể thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa kịp thời. Một số cấp ủy, chính quyền, địa phương chưa thật chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Kinh tế tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu từng ngành, lĩnh vực chuyển dịch chưa đạt mục tiêu. Ngành năng lượng tái tạo là thế mạnh, đột phá đang gặp khó khăn; năng lực sản xuất mới tăng chậm, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp còn thấp. Các dự án động lực, trọng điểm của vùng triển khai chậm, chưa tạo đột phá thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của tỉnh. Hạ tầng cấp nước, tiêu thoát lũ, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên nhưng còn nhiều khó khăn; còn để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản...

Để khắc phục kịp thời, hiệu quả các tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện Nghị quyết 15 gắn với đổi mới phương pháp tuyên truyền sâu rộng, cụ thể đến nhân dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thống nhất giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch tổng thể, phân công, phân nhiệm cụ thể và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 15. Triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu của vùng KTTĐPN của tỉnh; sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045. Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu du lịch phía Nam tỉnh, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để đảm bảo điều kiện thu hút các dự án đầu tư. Khẩn trương kiến nghị bổ sung chỉ tiêu đất khu kinh tế vào Quy hoạch đất quốc gia để tổ chức lập Đề án Khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh theo định hướng Nghị quyết 15 và quy hoạch tỉnh.

Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên

Cùng với đó cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án vùng KTTĐPN. Khai thác hiệu quả cảng tổng hợp Cà Ná, dịch vụ cảng, các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp xanh hóa chất sau muối, trung tâm dịch vụ logistic và cảng cạn Cà Ná. Hợp tác khai thác cảng biển tổng hợp Cà Ná để vận chuyển các sản phẩm công nghiệp bô xít-alummin-nhôm và sau nhôm được khai thác, chế biến, sản xuất tại Đắk Nông và Lâm Đồng đến các thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới. Phát triển khu công nghiệp trung hòa carbon nhằm thực hiện mục tiêu “Zero - carbon” đến năm 2050; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực; xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước, hệ thống thoát lũ, nhà máy xử lý nước thải để đáp ứng điều kiện hình thành khu đô thị và phát triển các ngành, lĩnh vực. Đẩy nhanh tiến độ triển khai nâng công suất hòa lưới và phát triển đồng bộ hạ tầng truyền tải điện, nhất là các dự án năng lượng quy mô lớn như: Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná - 1.500MW, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,...); phát triển nguồn năng lượng hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đến cảng Cà Ná. Đẩy nhanh tiến độ Khu đô thị mới Đầm Cà Ná; hình thành Khu đô thị phía Đông - Tây Quốc lộ 1, Khu đô thị mới Phước Diêm, các đô thị trung tâm Phước Nam, Sơn Hải và Cà Ná theo hướng hiện đại, với tam giác phát triển là: Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải, tạo động lực phát triển trong định hướng phát triển khu đô thị khu vực trọng điểm phía Nam...