Triển khai các giải pháp giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi

Bộ Y tế nhận định, tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh, dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với các vùng thành thị, đồng bằng.

Theo Bộ Y tế, năm 2022 và 2023, tình trạng sức khỏe và tử vong ở trẻ, bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với các vùng thành thị, đồng bằng (theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022).

Tốc độ giảm tử vong trẻ em trên toàn quốc có xu hướng chậm lại, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm chỉ giảm được 0,22‰. Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam cao gấp 2,4 lần Thái Lan (nguồn UNICEF).

Mặt khác, việc thực hiện các can thiệp chuyên môn nhằm giảm tử vong trẻ sơ sinh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện có chiều hướng giảm.

Tăng cường triển khai tiêm các vaccine cho trẻ đảm bảo đạt tỷ lệ, an toàn, hiệu quả - Ảnh: VGP/HM

Bộ Y tế cũng cho biết, theo Quyết định số 1493/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 về Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030, đến nay chưa có địa phương nào bố trí ngân sách để triển khai thực hiện Quyết định này.

Tăng cường bố trí ngân sách

Nhằm giảm tử vong trẻ em và thực hiện quyết liệt Quyết định số 1493/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành Chỉ thị về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Trong đó, tăng cường bố trí ngân sách địa phương, kết hợp với hỗ trợ của Trung ương, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác, để tập trung thực hiện các giải pháp can thiệp, các chỉ tiêu giảm tử vong trẻ em.

Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên ngành sản, nhi củng cố, nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh; thực hiện rộng rãi các can thiệp chuyên môn về chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Tăng cường triển khai khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, trong đó có sử dụng rộng rãi, hiệu quả sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy và phiên bản điện tử. Đây là công cụ theo dõi liên tục và quản lý sức khỏe trẻ em.

Tăng cường phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; tăng cường triển khai tiêm các vaccine cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt tỷ lệ, an toàn, hiệu quả…

Vận hành hệ thống báo động đỏ nội viện, liên viện về sản khoa

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu thiết lập, vận hành hệ thống "Báo động đỏ" nội viện và liên viện về sản khoa và nhi khoa trong xử trí cấp cứu, hồi sức sơ sinh, trẻ em tại bệnh viện và cấp cứu ngoại viện theo hướng nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Chú trọng cấp cứu ngạt sơ sinh, hồi sức sơ sinh tại phòng sinh; nếu tiên lượng vượt quá khả năng chuyên môn, cần chuyển tuyến phù hợp, kịp thời. Trong trường hợp đang xử trí cấp cứu nếu chuyển tuyến không đảm bảo an toàn có thể hội chẩn trực tuyến với tuyến trên để được hỗ trợ.

Duy trì, thường xuyên củng cố hoạt động và bố trí đủ nhân lực để thực hiện chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh theo các cấp khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, thực hiện thêm các nhiệm vụ như đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chuyên môn, chỉ đạo tuyến, chuyển giao hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới về chuyên ngành sơ sinh, nhi khoa; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật về cấp cứu, hồi sức sơ sinh, kỹ năng thực hiện các can thiệp chuyên môn do Bộ Y tế ban hành.

Theo chinhphu.vn