Tin tổng hợp

* Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản ước tính đạt 63,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm đạt 1,5 nghìn tấn, giảm 4,3%; thủy sản khác đạt 2,9 nghìn tấn, tăng 3,5%. Sản lượng thủy sản khai thác đạt 58,1 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 56,2 nghìn tấn, tăng 4,1%. Thời tiết 6 tháng đầu năm nhìn chung thuận lợi cho khai thác hải sản; lượng cá xuất hiện nhiều, nhất là cá cơm, cá nục, phù hợp với nghề khai thác truyền thống pha xúc và lưới vây.

Ngư dân Ninh Hải đầu tư thuyền công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Văn Nỷ

Dự báo theo tình hình và chu kỳ, tháng 6 ngư trường sẽ liên tục xuất hiện các đàn cá nổi (cá cơm, cá ngừ, cá nục) và là tháng chính vụ cá Nam, khả năng khai thác sản lượng cao. Tổng số tàu thuyền khai thác biển toàn tỉnh có đến tháng 6/2024 là 2.206 chiếc/ 442.984 CV; so cùng kỳ tăng 1,5% về số tàu và tăng 2,1% về công suất. Hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống trong tháng sôi động trở lại; hiện đang bắt đầu vào vụ nuôi tôm thương phẩm chính và trong thời gian các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi nên nhu cầu tôm giống tăng khá cao, giá bán ổn định. Ước sản xuất giống thủy sản 6 tháng được 20,3 tỷ con, tăng 6,9% so cùng kỳ; trong đó sản xuất tôm giống ước được 19,9 tỷ con, tăng 6,7% so cùng kỳ.

* Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 14,45% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,30%), trong đó, ngành khai khoáng tăng 8,38%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng ngành công nghiệp; ngành chế biến, chế tạo tăng 15,84%, đóng góp 3,00 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,23%, đóng góp 10,69 điểm phần trăm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm năng lực mới về năng lượng tái tạo, sản phẩm bao bì và sản phẩm khai thác đá granite so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng cao so với cùng kỳ do nhu cầu thị trường tăng, nguyên vật liệu dồi dào (đường, tinh bột sắn, thạch, búp bê…) đã tác động làm cho chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2024 tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Nhân viên Công ty Điện lực Ninh Thuận bảo trì lưới điện hoạt động an toàn.Ảnh: Văn Nỷ

Chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 dự tính tăng 13,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chủ lực sản xuất và phân phối điện tăng 14,09% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,51%, do nhu cầu thị trường tăng, nguyên vật liệu dồi dào; ngành khai khoáng tăng nhẹ 2,04%. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất trang phục tăng 56,61%; dệt tăng 21,61%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 18,46%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,09%...

* Ngày 25/6, huyện Thuận Bắc tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức giáo dục quốc phòng, an ninh khóa II năm 2024 cho 60 học viên là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Trong thời gian 4 ngày (từ ngày 25 đến 28/6) các học viên được nghiên cứu 8 nội dung chuyên đề về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại, bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, quản lý nhà nước trong tình hình mới. Qua đó, giúp học viên vận dụng vào vị trí công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.