Liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía đường

Thời gian qua, Công ty Cổ phần (CP) Đường Biên Hòa - Phan Rang đã thực hiện chặt chẽ việc liên kết với người dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn xây dựng ổn định vùng nguyên liệu mía; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực, đem lại lợi nhuận cho các bên tham gia.

Xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất trên địa bàn tỉnh, với trên 1.300ha. Để nông dân yên tâm trồng mía, ổn định nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhà máy, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang triển khai hàng loạt các chính sách gia tăng năng suất mía, nhất là chú trọng nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật canh tác mới, phù hợp; đưa máy móc thiết bị hiện đại như Drone, máy kéo có Autotrack-GPS phục vụ đồng bộ quá trình canh tác từ khâu trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch. Ông Trương Luận, ở thôn Thạch Hà, chia sẻ: Mía được xem là cây trồng có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho bà con địa phương; tuy nhiên, trong những năm gần đây giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công ngày càng tăng nên việc trồng mía phát sinh khá nhiều chi phí. Với 4,8ha mía, ngay từ đầu vụ, gia đình đã được công ty hỗ trợ máy để cày ngầm, đào rãnh theo nước, vun gốc và kết hợp sử dụng gel giữ ẩm để tăng khả năng chống hạn cho đất. Nhờ thực hiện cơ giới hóa vào công đoạn sản xuất, tiết kiệm đáng kể sức lao động, giảm đáng kể chi phí đầu tư và chủ động được thời vụ trồng mới.

Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây mía.

Đặc biệt, từ vụ mía 2022-2023, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang thử nghiệm mô hình phun bón lá kết hợp với thuốc trừ sâu đục thân cho cây mía bằng máy bay không người lái tại các xã trên địa bàn huyện Ninh Sơn, với diện tích gần 150ha cho kết quả đạt cao, hộ trồng mía đã giảm từ 800.000-1.000.000 đồng/ha/lần so với phương pháp phun thủ công. Bên cạnh các yếu tố ứng dụng kỹ thuật, công ty còn mua giống sạch bệnh, thuần từ viện nghiên cứu cung ứng cho nông dân, với các loại giống tiềm năng, giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch như: K95-84, K95-156, KK3, Suphanburi 7, LK92-11, K88-92. Ngoài ra, trong suốt quá trình chăm sóc, công ty còn cử cán bộ nông vụ theo dõi, hướng dẫn người dân theo nước, bón phân hợp lý, đảm bảo mía sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất đạt cao khi thu hoạch.

Vụ mía 2023-2024, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang tiếp tục có những chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thông qua các khoản hỗ trợ ưu đãi về chi phí làm đất, bón vôi, làm cỏ, bón phân, tưới mía với mức 5,8 triệu đồng/ha; phân hữu cơ, mía giống, phân NPK, thuốc, chế phẩm 37,7 triệu đồng/ha; hỗ trợ tưới cho mía tơ 2 triệu đồng/ha, mía gốc 1 triệu đồng/ha, tưới bổ sung ứng phó hạn 1 triệu đồng/ha... Ngoài các khoản hỗ trợ trên, công ty còn áp dụng hình thức bảo hiểm giá mua mía tối thiểu trong 3 vụ liên tiếp 1 triệu đồng/tấn 10 chữ đường trên xe tại ruộng; đồng thời, 100% nông hộ ký kết hợp đồng liên kết sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Ông Nguyễn Ẩm, thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, phấn khởi: Với sự hỗ trợ của công ty, góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất, mối liên kết ngày càng vững chắc, tạo niềm tin và sự gắn bó giữa bà con với doanh nghiệp.

Anh Trần Lê Kim Hoàng, cán bộ Trạm Nông vụ số 2 thuộc Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang, cho biết: Với mục tiêu đề ra là tăng lợi nhuận cho nông dân và đáp ứng đủ sản lượng mía ép cho công ty, các chính sách hỗ trợ sẽ liên tục được duy trì và mở rộng cho những vụ mía sau. Để thực hiện điều này, chúng tôi luôn đồng hành, chia sẻ, hướng dẫn bà con áp dụng đúng quy trình canh tác, quản lý tốt đồng ruộng; đồng thời, ghi nhận các ý kiến đề xuất để có hướng điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp, hướng tới duy trì ổn định vùng nguyên liệu từ 2.400-2.700ha, năng suất mía đạt từ 75-80 tấn/ha.